Vaccine kết hợp sẽ làm giảm đồng thời nguy cơ từ dịch cúm và COVID-19. Ảnh: TASS/VTV |
Với tiến trình này, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức đã tiến một bước gần hơn đến khả năng nhận được sự chấp thuận theo quy định đối với loại vaccine kết hợp ngừa COVID-19 và bệnh cúm.
Các thử nghiệm ban đầu được thực hiện ở những người trưởng thành khỏe mạnh, từ 18-64 tuổi, cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại các chủng cúm A, cúm B và Sars-CoV-2 sau khi được tiêm mũi kết hợp. Những người tham gia thử nghiệm được so sánh với những người tiêm vaccine cúm được cấp phép và vaccine COVID-19 hóa trị hai của Pfizer-BioNTech thích ứng với chủng Omicron BA.4/BA.5 trong cùng một lần khám.
Tiến sĩ Annaliesa Anderson, Phó chủ tịch cấp cao kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine tại Pfizer cho biết vaccine này có khả năng làm giảm tác động của cả 2 bệnh về đường hô hấp nói trên chỉ bằng một mũi tiêm và có thể đơn giản hóa việc tiêm chủng cho các nhà cung cấp, bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới.
Cũng theo Tiến sĩ Anderson, vaccine dựa trên công nghệ mRNA này đã cho thấy khả năng tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ và sẽ bắt đầu giai đoạn phát triển lâm sàng thứ 3 (giai đoạn cuối cùng).
Được biết, Pfizer cũng đang hoàn thiện thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine mRNA ngừa cúm cho người lớn. Tiến sĩ Julia Spinardi tuần trước cho biết thử nghiệm đã đánh giá hiệu quả, độ an toàn, khả năng dung nạp và khả năng miễn dịch của vaccine cúm mRNA.
“Thử nghiệm giai đoạn 3 được tiến hành ở Mỹ để ‘tận dụng’ mùa cúm ở đó. Chúng tôi có khoảng 36.000 người tham gia ở hơn 200 địa điểm và chúng tôi hy vọng sẽ sớm có kết quả để trình lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)”, Tiến sĩ Spinardi nói.
Trước đó, tại Hội nghị chăm sóc sức khỏe JP Morgan thường niên lần thứ 41, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết hãng có thể tung ra loại vaccine 2 trong 1 này vào năm 2024.
Pfizer không phải là công ty duy nhất nghiên cứu vaccine kết hợp chống lại cả bệnh cúm và COVID-19. Hãng Moderna của Mỹ cũng đang nghiên cứu loại thuốc này và đã cho người đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào ngày 24/10 vừa qua.
Không nên chủ quan trước COVID-19
Giáo sư Tikki Pangestu, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “khi bi kịch về một đại dịch đã qua đi và chính quyền tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu - giống như cúm mùa thông thường, thì mối lo ngại chính sẽ bắt đầu”. Theo ông, các chính phủ - khi đánh giá tình trạng khẩn cấp đã qua, có thể sẽ phá bỏ cơ sở hạ tầng đã được thiết lập. Đây sẽ là “điều tội tệ nhất”, khi đại dịch tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Việc theo dõi các biến thể vẫn cực kỳ quan trọng, nhưng việc giám sát và báo cáo đã giảm sút.
COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, với khoảng 700 triệu ca nhiễm và 6 triệu ca tử vong tính đến nay. Con số này vẫn đang tăng lên, với khoảng 700.000 ca mắc mới mỗi ngày chỉ riêng ở Mỹ.
Chỉ riêng ở Mỹ , vẫn có khoảng 700.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
“Các biến thể mới có khả năng làm tăng sự lây lan của virus và có thể gây bệnh nghiêm trọng, ngay cả ở những quần thể có khả năng miễn dịch từ trước. Chúng tôi hy vọng điều đó không xảy ra, nhưng virus là không thể đoán trước được và có thể gây ra những bất ngờ không ai muốn, vì vậy tiêm chủng vẫn là ưu tiên hàng đầu của sức khỏe cộng đồng”, Giáo sư Pangestu nhấn mạnh.
Thông tin sai lệch là lo ngại lớn
Trong khi đó, Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam (Singapore) cho rằng “những người không tiêm vaccine” đã trở thành nạn nhân của cả sự do dự về vaccine và thông tin sai lệch. Đặc biệt, giai đoạn “đặc hữu” này được xem là mảnh đất vẫn rất màu mỡ cho việc lây nhiễm và lan truyền thông tin sai lệch, tạo điều kiện cho sự do dự với vaccine sau đó.
Ví dụ như trong đợt bùng phát bệnh sởi ở Philippines năm 2018, có rất nhiều thông tin sai lệch trong thời gian đó và số người tiêm vaccine phòng các bệnh nhiễm trùng như cúm, phế cầu khuẩn và đặc biệt là bệnh sởi đã sụt giảm.
Từ đó, một báo cáo năm 2022 trên tạp chí The Lancet tiết lộ số ca mắc sởi được ghi nhận ở Philippines đã tăng vọt từ 2.428 ca vào năm 2017 lên 20.827 ca vào năm 2018 và 48.525 ca vào năm 2019, trong khi đây là “căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng”.
Tiến sĩ Leong cho biết: “Việc do dự tiêm vaccine tiếp tục là mối lo ngại lớn. Để chống lại điều này, chúng ta cần cung cấp quyền truy cập vào thông tin chính xác và đã được chứng minh một cách khoa học để ngăn chặn thông tin sai lệch và mạng xã hội. Chúng ta cũng cần giải quyết những thông tin sai lệch, vạch trần những lời nói dối và tin tức giả mạo, đồng thời tạo ra sự hiểu biết chính xác trong cộng đồng".