So với các bác sĩ ở 27 quốc gia thành viên OECD khác, các bác sĩ ở Hàn Quốc có thu nhập cao hơn. Ảnh minh hoạ:  Straistimes/Vietnam+

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ trong nước bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y, một động thái được thúc đẩy chủ yếu do tình hình hiện tại, khi cơ cấu thị trường hạn chế số lượng bác sĩ thông qua các giới hạn đối với tuyển sinh vào trường.

Báo cáo Thống kê Y tế của OECD năm 2023 chỉ ra rằng, so với các bác sĩ ở 27 quốc gia thành viên khác đã gửi dữ liệu liên quan để làm khảo sát, các bác sĩ ở Hàn Quốc có thu nhập cao hơn. Sau Hàn Quốc, bác sĩ tại các nước có thu nhập cao nhất là Hà Lan, Đức, Ireland và Anh.

Cụ thể, thu nhập hàng năm của các chuyên gia y tế được trả lương tại Hàn Quốc vào năm 2020 đạt trung bình khoảng 192.749 USD, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, cũng như yếu tố về chi phí sinh hoạt tại địa phương. Con số này vượt 60% mức trung bình của OECD.

Cũng vào năm 2020, các bác sĩ tự kinh doanh tại Hàn Quốc có thu nhập hàng năm là 298.800 USD. Trong số 7 quốc gia cung cấp dữ liệu, con số này đứng thứ hai sau Bỉ, nơi các bác sĩ mở phòng khám riêng có thu nhập trung bình khoảng 337.931 USD.

Hiện Hàn Quốc cũng đang chứng kiến thu nhập của bác sĩ tăng trưởng mạnh so với các ngành nghề chuyên môn khác. Trong đó, thu nhập trung bình hàng năm của các chuyên gia tự kinh doanh, bao gồm bác sĩ, bác sĩ y học cổ truyền và nha sĩ là 218.000 USD tính đến năm 2021. Con số này vào năm 2014 đã đạt 127.000 USD. Ngược lại, thu nhập bình quân hàng năm của luật sư ở Hàn Quốc chỉ tăng 12,7% so với cùng kỳ. Nghề luật sư tại Hàn Quốc vào năm 2014 kiếm được trung bình khoảng hơn 75.000 USD và đến năm 2021 tăng lên đến gần 85.000 USD.

Có thể nói rằng, khi so sánh với các quốc gia OECD và các ngành nghề khác, mức lương tương đối cao hơn của các bác sĩ Hàn Quốc dường như xuất phát từ sự khan hiếm tương đối của số lượng chuyên gia y tế trước nhu cầu đáng kể về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Vào năm 2021, Hàn Quốc có 2,6 bác sĩ lâm sàng trên 1.000 dân, bao gồm cả những bác sĩ y học cổ truyền Hàn Quốc. Theo báo cáo, con số này chỉ vượt qua tỷ lệ 2,5 bác sĩ lâm sàng/1.000 dân của Mexico. Khi loại trừ bác sĩ y học cổ truyền, Hàn Quốc xếp cuối cùng trong số các quốc gia OECD. Dẫn đầu danh sách là Áo, Na Uy và Đức với tỷ lệ lần lượt là 5,4/1.000; 5,2/1.000 và 4,5/1.000.

Hiện nay, mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp trường y còn hạn chế, nhưng nhu cầu về dịch vụ y tế ở Hàn Quốc vẫn tăng cao. Vào năm 2021, công dân Hàn Quốc tìm kiếm tư vấn chăm sóc ngoại trú đạt mức trung bình 15,7 lần/người. Đây là tần suất cao nhất trong số các quốc gia OECD và gấp 2,6 lần mức trung bình của OECD là 5,9.

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, vốn đã được ấn định ở mức 3.058 sinh viên kể từ năm 2006. Nếu được thông qua, hạn ngạch mới sẽ có hiệu lực từ năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Choo Kyoo-hong cho biết, chính phủ sẽ cho phép một số trường đại học tăng hạn ngạch vào năm 2025 “nếu họ có đủ chỗ để nhận thêm sinh viên”. Bộ trưởng Choo chia sẻ, do tính chất cấp bách của vấn đề, Hàn Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y hiện có, bên cạnh việc xem xét kế hoạch mở trường y mới ở các tỉnh.

Cuối tuần qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ gửi công văn tới 40 trường y trên toàn quốc và tiến hành một cuộc khảo sát liên quan đến việc mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Theo nhiều nguồn tin, dự kiến ít nhất 2/3 số trường y trên toàn địa bàn Hàn Quốc sẽ yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Đan Lê (Lược dịch từ Korea Herald)