Tình nguyện viên tư vấn xét nghiệm cho người thuộc nhóm MSM |
Hình thái có sự thay đổi
Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 - 12.000 người nhiễm HIV mới. Trong số này, tỷ lệ nhiễm ở nhóm quan hệ đồng tính nam tăng đáng kể, từ 2% năm 2012, đến nay là 13% (100 người MSM có 13 người nhiễm HIV). Theo Cục Phòng, chống HIV, Bộ Y tế, trước năm 2015, dịch HIV tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm thì sau năm 2015, hình thái đã có sự thay đổi. “Nóng” lên hiện là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Theo xu hướng hiện nay, khi những người MSM càng có nhu cầu bộc lộ thì nguy cơ nhiễm HIV ngày càng cao.
Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất (CDC tỉnh) từng đón không ít trường hợp cha/mẹ đưa con trai đến khám, tư vấn. Một bà mẹ sau khi đưa con đi điều trị bệnh thông thường thì kết quả xét nghiệm trả về báo dương tính với HIV. Bà kể con trai mình học hành rất tốt, hiền lành và không hề dính vào các tệ nạn xã hội, không hiểu sao lại lây nhiễm HIV. Ở các bước xét nghiệm tiếp theo, bệnh nhân nam này có kết quả dương tính khẳng định. Bà mẹ ấy sốc, khóc nghẹn. Qua trò chuyện, bệnh nhân này mới bộc lộ mình là MSM và đã có quan hệ với bạn đồng giới. Người con trai ấy giấu biệt cha mẹ giới tính thật sự của mình vì áp lực, kỳ vọng từ gia đình.
ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC tỉnh thông tin: “Trước dịch COVID-19 chỉ có 1-2 trường hợp thì nay số lượng tăng trên dưới 30 ca nhiễm HIV mỗi năm. 9 tháng đầu năm 2023 đã điều trị 23 người nhiễm mới. Hình thái chuyển dịch này gióng lên hồi chuông cảnh báo. Do đó, Khoa đã tham mưu việc tăng cường truyền thông và phương pháp tiếp cận với nhóm nguy cơ cao này”.
Theo đánh giá chung, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường quan hệ tình dục. Đặc biệt đáng chú ý, tập trung vào nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Trước thực trạng này, CDC tỉnh phối hợp với CDC Đà Nẵng tổ chức 2 điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động (PrEP lưu động) cho nhóm người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Ngành y tế tỉnh triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình của người nhiễm HIV, nhóm có nguy cơ cao MSM. Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận họ. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc vận động của các cán bộ Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động (PrEP lưu động) cho các MSM. Trước đó, tuy đã thông báo rộng rãi qua các đội nhóm, fanpage, gọi điện dặn dò, tuy nhiên việc tham gia của những MSM trên địa bàn vẫn cần nhiều đốc thúc. Trong khi một số này lại vào CDC Đà Nẵng để điều trị.
Sống khép kín, sợ kỳ thị
Do đặc thù văn hóa - đời sống, nhóm MSM khá khép kín, họ không cởi mở trong giao tiếp, trao đổi, ngại đến nơi đông người. Lớp người này sống trong “vỏ kén”, không muốn bộc lộ mình cho xã hội biết. Nhằm thuyết phục nhóm MSM nguy cơ cao đến xét nghiệm điều trị, phần lớn phải nhờ đến các đồng đẳng viên trong khi lực lượng này khá mỏng. Theo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, trước đây, nhóm cộng tác viên đồng đẳng cũ hoạt động khá hiệu quả. Sau một thời gian không còn kinh phí hỗ trợ, nhóm này tan rã. Tháng 8/2023, Khoa tuyển được hai bạn mới, dự kiến sẽ kêu gọi thêm 3 thành viên nữa để củng cố nhóm.
Một trong hai tình nguyện viên mới nói trên chia sẻ: “Tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM không hề đơn giản. Chúng tôi tranh thủ thời gian đăng nhập vào các app BlueD, mạng xã hội tìm họ. MSM ở Huế “phòng bị” khá kỹ, hai anh em phần lớn khai thác được thông tin cơ bản, khó khai thác thông tin sâu”.
Mới đây, tại địa bàn tỉnh đã ra mắt CLB Gót Hồng nhằm tạo môi trường chia sẻ yêu thương, giúp các thành viên LGBT nắm rõ quyền chăm sóc sức khỏe và phòng, chống các bệnh xã hội. Anh N.V.V., Chủ nhiệm CLB Gót Hồng giãi bày những khó khăn gặp phải: “Những người MSM tại Huế có nguy cơ nằm trong nhóm 16-24 tuổi. Tụi em có hỗ trợ một số bạn đi kiểm tra sức khỏe. Qua vận động được một trường hợp nghi ngờ, bạn ấy có kết quả dương tính khẳng định. Khai thác thêm, người này không biết mình lây từ đâu, kiến thức về phòng, chống bệnh xã hội khá mù mờ. Rất nhiều ca cố chấp, không tin tưởng vào quá trình điều trị, các loại thuốc và biện pháp phòng tránh… Đây là vấn đề chúng em thường xuyên đối mặt. Ngay cả tổ chức PrEP lưu động miễn phí, nhóm MSM cũng ngại đến vì sợ bị lộ thông tin”.
Tiếp cận, vận động xét nghiệm phát hiện MSM nhiễm HIV đã khó, đưa họ vào điều trị là chuyện không hề đơn giản. Bởi MSM sống khép mình, sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, hạn chế kiến thức về HIV, ngại uống thuốc, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị... ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC tỉnh nhấn mạnh: “Do số ca dương tính HIV “trẻ hóa” đang gia tăng, chúng tôi đang đẩy mạnh mảng truyền thông, giáo dục ở các trường học. Riêng nhóm tình nguyện viên tiếp cận SMS ban đầu truyền thông theo nhóm nhỏ nhằm tạo sự thân thiện, tiếp cận gần. Thời gian tới, sẽ triển khai và tận dụng các kênh thông tin, trong đó mạng xã hội nhằm giúp MSM, LGBT thay đổi cách nhìn về HIV cũng như các phương pháp điều trị”.