Lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhận được sự quan tâm của xã hội |
Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và lấy ý kiến xã hội. Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, có 3 phương án được đưa ra, gồm: Thi 6 môn, thi 5 môn và thi 4 môn.
Ở lựa chọn 4+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông (THPT) phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 môn: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn: Ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Nhóm thí sinh này không phải học bắt buộc môn ngoại ngữ.
Với lựa chọn 3+2, thí sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn lịch sử). Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT thi 4 môn, gồm: Thi bắt buộc 2 môn ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Trong quá trình Bộ GD&ĐT khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án 2+2. Theo đó, thí sinh học chương trình THPT và GDTX cấp THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn ngoại ngữ và lịch sử).
Nhiều ý kiến lựa chọn phương án 3+2
Để góp ý dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc giảng dạy chương trình GDPT cấp THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT nghiên cứu dự thảo phương án thi phù hợp với định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở phân tích các ý kiến đóng góp của 900 cán bộ, giáo viên, Sở GD&ĐT đánh giá, về cơ bản, dự thảo này phù hợp với tính định hướng, hướng nghiệp của các nhà trường ngay từ đầu lớp 10; đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018, phù hợp với cách thức lựa chọn môn học, đảm bảo đánh giá được năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Dự thảo bỏ thi theo tổ hợp là điểm tích cực nhất, phù hợp với định hướng phát triển năng lực cũng như định hướng chọn lựa nghề nghiệp của học sinh.
Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của các phương án thi, Sở GD&ĐT thiên về lựa chọn phương án thi 3+2. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân phân tích, phương án này sẽ giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và xã hội vì kỳ thi mang tính chất chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, phương án này vẫn đảm bảo đánh giá toàn diện quá trình học tập, giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học.
Đây cũng là phương án đảm bảo tính cân bằng cho học sinh giữa tổ hợp tự nhiên và xã hội. Thực tế từ các kỳ thi tốt nghiệp qua từng năm cho thấy, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội chiếm khá lớn, phương án này sẽ giúp hạn chế sự mất cân đối giữa số lượng học sinh chọn môn tự nhiên và môn xã hội. Lựa chọn phương án này cũng giảm áp lực thi cử môn lịch sử cho học sinh, đặc biệt là những học sinh chọn khối khoa học tự nhiên, tạo điều kiện cho các em dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Bởi, việc nâng cao ý thức học môn lịch sử phụ thuộc vào cách viết sách giáo khoa, cách dạy của giáo viên, không nhất thiết phải buộc học sinh học lịch sử để thi là chính.
Phương án 3+2 cũng được nhiều giáo viên lựa chọn với tỷ lệ 65,89%. Theo ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, phương án 3+2 khá hợp lý với xu hướng hiện nay, vừa giảm áp lực thi cử, vừa có điều kiện để học sinh học tập, phù hợp với việc lựa chọn nghề nghiệp sau này trong xu thế hội nhập, đồng thời cân đối, hài hòa trong việc lựa chọn giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Cô Hồ Thị Lệ Hằng, giáo viên Trường THPT Phú Bài cũng lựa chọn phương án 3+2: “3 môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ là những môn cơ bản, tiền đề, thi là cần thiết, phù hợp bối cảnh hiện tại, có tính kế thừa, không gây tâm lý hoang mang, xáo trộn từ phía người dạy, người học và dư luận xã hội. 2 môn tự chọn cũng phù hợp để học sinh lựa chọn được các môn sở trường, sử dụng kết quả để xét vào các trường đại học như mong muốn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, cần khoa học, ít áp lực nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu chung nên chọn phương án này là hợp lý.