Chương trình hóa đơn may mắn góp phần khuyến khích người mua hàng phải lấy hóa đơn |
Bứt phá từ công nghệ
Lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm là một trong những định hướng quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành thuế. Cùng với sự nhập cuộc của ngành thuế cả nước, Cục Thuế tỉnh đã và đang triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Chuyển đổi thành công từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là dấu mốc quan trọng của ngành thuế. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã áp dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh mua bán. Điều này không chỉ giảm thiểu những rủi ro về thuế mà còn giúp doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số thành công.
Theo cơ sở dữ liệu từ cơ quan thuế trong thời gian từ 1/4 đến ngày 30/6/2023, cơ quan thuế đã ghi nhận 368.750 hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế lập, cao hơn nhiều so với số 296.589 hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có ngày lập từ ngày 1/1 đến 31/3/2023. Con số tăng trưởng hóa đơn qua 2 quý này phần nào khẳng định những thay đổi trong thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng của người dân thời gian qua. Thành công đó có sự “góp công” không nhỏ của chương trình hóa đơn may mắn mà ngành thuế đang triển khai, nhằm tạo lập thói quen mua bán hàng hóa phải có hóa đơn.
Việc rà soát, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cũng mang lại hiệu quả không nhỏ. Đến nay, toàn tỉnh có 151 người nộp thuế đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Cùng với hóa đơn điện tử, ngành thuế cũng đã triển khai thành công dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile và cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Nhiều ứng dụng công nghệ cũng được nâng cấp theo kịp với các chính sách thuế hiện hành như: ứng dụng TMS (hệ thống quản lý thuế tập trung), chữ ký điện tử, phân tích rủi ro TPR, quản lý trước bạ nhà đất, xác minh hóa đơn.
Hiện, Cục Thuế đã công khai hơn 200 thủ tục về thuế như về đăng ký thuế; khai thuế; hoàn thuế; miễn, giảm thuế; hóa đơn; quản lý thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước… Việc công khai thủ tục hành chính và thời gian giải quyết công việc tại bộ phận một cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế đến giao dịch và liên hệ. Cục Thuế đã kiện toàn ban chỉ đạo ISO và ban hành tài liệu nội bộ được sửa đổi, thay thế thuộc hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giảm thủ tục hành chính
Những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí và đem lại sự hài lòng cho người nộp thuế khi giao dịch với cơ quan thuế. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng 100% ở các khâu của quản lý thuế.
Ông Nguyễn Thanh Trí, chủ cơ sở kinh doanh Văn Thành Auto Spa chia sẻ, mặc dù khả năng công nghệ khá hạn chế song với sự hỗ trợ của cán bộ thuế, cơ sở chúng tôi đã được tiếp cận với nhiều ứng dụng, công nghệ mà ngành thuế triển khai. Ví như eTax Mobile giúp thủ tục nhanh hơn, không cần di chuyển; hóa đơn điện tử giúp cho việc lưu trữ và xuất hóa đơn đơn giản hơn… Các thông tin trao đổi giữa cơ sở với cơ quan thuế cũng dễ dàng hơn thông qua các kênh kết nối từ mạng xã hội, gmail… Nhờ đó, các thủ tục hành chính; giao dịch về thuế được triển khai nhanh chóng.
Trên cơ sở nền tảng công nghệ mà Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế đã triển khai, ngành thuế Thừa Thiên Huế cũng đang có những nỗ lực không nhỏ để gia tăng trải nghiệm, ứng dụng hiệu quả công nghệ phục vụ và hỗ trợ người nộp thuế đúng như tinh thần “lấy người nộp thuế làm trung tâm”.
Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thuế góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm được chi phí, nhân lực, tiết kiệm thời gian trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Để góp phần cùng tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, ngành thuế sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT.
Triển khai và nâng cấp kịp thời các chương trình ứng dụng của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử thông qua hệ thống dịch vụ thuế điện tử. Cập nhật đầy đủ các dữ liệu vào ứng dụng ngành thuế theo đúng quy trình, đúng quy định, nhất là việc bắt tay xây dựng bản đồ số hộ kinh doanh theo đúng lộ trình đã đề ra. Đồng thời theo dõi nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế hàng năm đáp ứng các sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ, mẫu biểu kê khai thuế theo chương trình cải cách thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ. Đảm bảo hệ thống an toàn bảo mật, hạ tầng truyền thông, thông suốt các chương trình ứng dụng chạy tốt đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt công tác quản lý thuế của ngành.