Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trên thế giới về AI diễn ra tại Anh từ 1/11-2/11. Ảnh minh họa: iStock |
Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đều sẽ tham dự hội nghị 2 ngày, tập trung vào những lo ngại ngày càng tăng về tác động của AI.
Việc công bố những mô hình AI mới nhất đã mang đến cái nhìn sơ bộ về tiềm năng của AI, nhưng cũng gây ra mối lo ngại về nhiều vấn đề, từ nguy cơ mất việc làm, tấn công mạng và khả năng kiểm soát mà con người thực sự có được đối với các hệ thống đã tạo ra.
Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Anh Sunak cho biết mục tiêu cuối cùng của ông là “hướng tới một cách tiếp cận quốc tế hơn trong việc hợp tác với các đối tác để đảm bảo hệ thống AI an toàn trước khi được công bố”.
Thủ tướng Sunak cũng khẳng định các đại diện sẽ nỗ lực hết sức để đạt được tuyên bố quốc tế đầu tiên về bản chất của những rủi ro này, đồng thời đưa ra những đề xuất tương tự như cách tiếp cận đối với biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, London được cho là đã phải thu hẹp lại tham vọng về các ý tưởng như thành lập một cơ quan quản lý mới về AI trong bối cảnh nhận thấy thiếu sự nhiệt tình từ các bên.
Được biết, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni là một trong những nhà lãnh đạo thế giới duy nhất và là đại biểu duy nhất thuộc G7 tham dự hội nghị.
Theo AFP, mặc dù tiềm năng của AI mang lại nhiều hy vọng, đặc biệt là cho y học, thì sự phát triển của công nghệ này phần lớn vẫn chưa được kiểm soát.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia trong việc phát triển “sự hiểu biết chung về những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt”.
Đối mặt với những chỉ trích vì chỉ xem xét đến khía cạnh rủi ro của AI, Vương quốc Anh ngày 1/11 đã cam kết tài trợ 38 triệu bảng Anh cho các dự án AI trên toàn thế giới, bắt đầu từ châu Phi.
Trước đó, các cường quốc G7 hôm 30/10 đã thống nhất về một “quy tắc ứng xử” không ràng buộc đối với các công ty đang phát triển hệ thống AI tiên tiến nhất.
Trong khi đó, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch riêng của mình nhằm thiết lập các tiêu chuẩn an toàn cho việc triển khai các hệ thống AI và yêu cầu các nhà phát triển chia sẻ các kết quả kiểm nghiệm an toàn để chính phủ xem xét.
Và tại Rome, các bộ trưởng từ Italia, Đức và Pháp đã kêu gọi một “cách tiếp cận thân thiện với đổi mới” để quản lý AI ở châu Âu, đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới này.
(Lược dịch từ AFP)