Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ bắt tay, trò chuyện với cán bộ lãnh đạo và đội ngũ tổ dân vận ở cơ sở phường Vỹ Dạ (TP. Huế)

Dân vận là nói dân hiểu

Cùng với đặt tên, nhiều tuyến đường rộng, đẹp trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) có thêm ánh điện sáng trưng mỗi buổi tối. Có điện, có tên đường là niềm vui của không ít người, nhưng rác thải cũng là vấn đề đặt ra để làm sao các tuyến đường sáng đẹp càng phải đẹp hơn nữa.

“Đi thể dục mỗi buổi sáng cùng người dân, tôi hay nói với họ, các tuyến đường đã có tên, có điện sáng rất đẹp, nhưng để đẹp hơn nữa, mỗi người dân sinh sống dọc tuyến cần phải nâng cao ý thức trong vấn đề xử lý rác thải. Rác thải sinh hoạt người dân khi đem ra đường phải có bì buộc chặt và không để vương vãi, lộn xộn, gây nhếch nhác. Từ đó, người dân họ cũng ý thức hơn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt”, ông Nguyễn Thạnh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Lại Thế 1, phường Phú Thượng tâm sự.

Không ít người dân Điền Hương (Phong Điền) vui mừng, phấn khởi khi xã được công nhận nông thôn mới. Đây là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị tại cơ sở.

Thực tế, đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn… còn gặp không ít khó khăn, nhưng họ luôn phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Trưởng thôn Thanh Hương Lâm, xã Điền Hương chia sẻ: “Ngoài hiến đất, mở đường, TDV thôn còn đến từng hộ gia đình giáo dân để tuyên truyền, vận động bà con ý thức treo cờ Tổ quốc mỗi khi có dịp lễ trọng của quê hương và đến nay hầu như hộ gia đình trong thôn đều đã thực hiện”.

Sâu sát cơ sở

“Công tác dân vận phải sâu sát cơ sở” là mục tiêu đặt ra đối với đội ngũ làm công tác dân vận của Đảng trong toàn tỉnh. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ thông qua việc vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở thôn… là những việc làm thiết thực và ý nghĩa của TDV thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Duy Cường cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.104 TDV cơ sở, với tổng số 8.541 thành viên. Trong đó, bí thư chi bộ làm tổ trưởng; trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận làm tổ phó. Các thành viên tổ dân vận gồm: Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, phó trưởng thôn, thôn đội trưởng, công an viên, người có uy tín, già làng, một số trưởng dòng họ.

Trong các buổi cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy làm việc tại cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ luôn đặc biệt lưu ý với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị cơ sở là, không ngừng củng cố, phát huy hoạt động của các TDV cơ sở.

Các thành viên của TDV chính là “cánh tay nối dài” của Đảng, gần gũi với người dân. Tất cả những vấn đề phát sinh ở cơ sở, các thành viên TDV có mặt kịp thời để tận tình hướng dẫn cho người dân hiểu, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đền bù giải tỏa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đều được TDV phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất chi bộ giải quyết; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tư vấn và giải quyết tốt nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Hiệu quả hoạt động của các TDV thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân...

Bài, ảnh: PHONG ANH