Không gian phòng khách thoáng rộng và an toàn với người cao tuổi |
Đã nhiều tháng tôi mới có dịp ghé thăm bác Hai kể từ ngày bác tạm rời xóm, lên thành phố sống cùng vợ chồng anh con trai. Khác hẳn với một bác Hai băn hăn bó hó những ngày rục rịch chuyển đi, nay bác tươi tắn khoe: “Cứ lo nhà của cha mẹ đương nhiên là nhà của con, còn nhà của con thì chưa chắc đã là nhà của cha mẹ, nhưng chừ thì đã yên tâm hẳn. Chỉ còn hơi buồn vì nhớ bạn già dưới xóm mình thôi”.
Vợ chồng anh con trai bác Hai, người phải theo việc hành chính nhà nước, người cả ngày theo hàng ngoài chợ nên dù không muốn tách mẹ ra khỏi ngôi nhà cũ, làng xóm cũ nhưng cũng phải thuyết phục mẹ thuận theo con. Ba anh mất đã nhiều năm, biết mẹ không muốn theo con nên cứ cuối tuần anh lại tranh thủ chạy về với mẹ, cho đến khi tuổi mẹ càng già, lại thêm bệnh tật ập đến… Vợ chồng anh thống nhất rất cao trong việc chăm sóc mẹ già. Chỉ cần mẹ thuận ý thì mọi việc lớn nhỏ trong nhà cũng thuận theo mẹ.
“Chưa có bà thì vợ chồng ở tầng trệt. Bà về thì vợ chồng lên tầng trên, dành khu vực trung tâm cho bà. Tầng 1 có phòng khách, gian thờ, phòng bếp, phòng ăn và có hiên phụ mở ra vườn nên bà rất thoải mái. Đây cũng là khu vực sinh hoạt chung của cả nhà, các cháu quấn bà nên bà rất yên tâm”, anh Bình, con trai bác Hai chia sẻ. Anh cũng nói thêm, thời điểm vợ chồng anh làm nhà đều còn có đủ cả bố mẹ 2 bên. Dù chưa có ông bà bên nào chịu rời xa nơi chốn quen thuộc của mình để về sống chung với các con, nhưng trong kết cấu ngôi nhà luôn có tính đến không gian dành cho cha mẹ già. Chính vì vậy, cuộc sống gia đình anh hầu như không bị thay đổi quá nhiều khi mẹ đồng ý về sống cùng. Điều này cũng khiến mẹ anh cảm thấy an lòng phần nào khi hiểu rằng trong gia đình nhỏ của các con, bà không phải là một cái gì đó “dư thừa phiền hà mà con cháu bất đắc dĩ phải chấp nhận”.
Với rất nhiều gia đình, trong nhà có cha mẹ già cùng sinh sống là một niềm hạnh phúc không dễ gì có được. Một người bạn của tôi, anh là con út trong gia đình có ba anh em trai, lại sinh sống ở ngoại tỉnh, vậy mà anh luôn bày tỏ nỗi niềm tha thiết là được đón mẹ về sống cùng sau khi ba mất. Anh bảo, bất cứ lúc nào mẹ muốn về thăm nhà, anh đều sẵn xe đưa đón mẹ. Chỉ mong được mẹ về sống cùng gia đình nhỏ của anh, để mỗi ngày đi làm về được nhìn thấy có mẹ trong nhà, bao mệt mỏi tan biến hết. Chiều con, mẹ anh một vài năm đầu còn thường xuyên Huế - Đà Nẵng mỗi dịp cuối tuần, sau thì bà yên tâm ở hẳn với vợ chồng anh ở Đà Nẵng. Mọi việc thăm quê hay giỗ chạp, bà đều thuận theo thu xếp của các con. Thương mẹ và để mẹ thực sự an lòng ở nơi chốn mới, vợ chồng bạn tổ chức lại phòng khách, phòng bếp, phòng tắm phù hợp với “đồng chủ nhân” là người cao tuổi. Riêng trong phòng ngủ của mẹ, anh chị bài trí đủ những vật dụng cần thiết nhưng gọn gàng và đơn giản sử dụng. Mọi vật dụng đều do mẹ đồng ý và đều lấy sự an toàn và thoải mái của mẹ làm đầu.
“Tôi nghĩ, với người già, dù hoàn cảnh sống có thế nào thì chắc là họ cũng sẽ vui vẻ nếu vẫn được kết nối với cuộc sống thường nhật quen thuộc bằng không gian gần gũi với cỏ cây thiên nhiên, với những vật dụng từng ghi dấu nhiều ký ức, kỷ niệm… Và tôi đã giữ được mẹ bằng cách làm cho mẹ cảm thấy cuộc sống của mẹ không thay đổi “một trời một vực” khi ở với chúng tôi”, anh Bình chia sẻ.
Trong câu chuyện của anh, tôi thấy loáng thoáng cách mình thu xếp tuổi già cho mình.