Nếu không làm chủ tốc độ, bất trắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào cho các phương tiện |
Hẳn bạn cũng như tôi, từng đã nhiều lần xuôi ngược bắc nam trên những chuyến xe khách. Vài thập kỷ trước, xe cộ khó khăn, đường sá gập ghềnh, đèo dốc, thì đó là những hành trình đầy khổ ải. Khổ từ lúc xếp hàng mua cho được tấm vé, đến lúc bó chân, nhồi nhét trên những hàng ghế hôi hám, chật chội, và lắc, và “bò” hàng chục tiếng đồng hồ để đến được một nơi cách nơi xuất phát có khi chỉ vài ba trăm cây số nếu may mắn xe không pan, không hỏng, không xì hơi, xịt lốp…
Nhắc lại chút như thế để thấy cái sự sung sướng vô cùng tận của việc đi lại bằng xe khách bây giờ. Xe tha hồ, toàn là xe ngon, giường nằm có, ghế ngồi có, máy lạnh mát rượi, lại còn có cả video, wifi để phục vụ thượng đế. Đường sá thì quốc lộ, tỉnh lộ hầu hết đều được nâng cấp, mở rộng, lại thêm cao tốc, hầm chui, cầu vượt… Xe ngon, đường ngon, nên khoảng cách như được rút ngắn, các chuyến đi không còn là sự đày ải nữa mà là những cuộc dịch chuyển nhiều hào hứng, nhiều trải nghiệm…
Tuy nhiên, nhiều xe, xe ngon, đường ngon cũng sinh chuyện. Đó là chuyện… đua tốc độ. Trên các cung đường, hễ vắng bóng lực lượng chức năng là các bác tài từ xe khách cho chí xe tải cứ ngọt ga mà nhấn. Để tranh khách, để hàng hóa tới được nơi cần giao sớm sẽ được chủ xe, chủ hàng thưởng; và cũng có khi là vì sở thích, vì thói quen của bác tài nữa. Thật vô phúc nếu được làm “thượng đế” trên những chuyến xe như vậy. Tôi từng có những chuyến đi từ Quy Nhơn, từ Đà Nẵng ra Huế. Xe chạy kiểu lút ga, khách nhắc nhở, phàn nàn, có bác tài còn trân tráo: “Ai bảo đây là xe chất lượng cao? Đây là xe tốc độ cao(!?)”. Đến lúc rời xe, nhiều người vẫn còn tim đập, chân run, rất ngán. Sau này có ô tô, tôi cũng ti toe đánh xe đi chơi hoặc đi công chuyện xa xa. Chạy trên QL1A, hoặc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, thấy xe khách, xe tải đua nhau ào ào phóng, ào ào vượt, cảm giác rất bất an, và nghĩ, chạy kiểu ấy thế nào có ngày cũng… chết. Mà đúng là chết thật! Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, làm nhiều người chết, nhiều phương tiện hư hỏng nặng, khiến giao thông ách tắc trong nhiều giờ… Trong những nguyên nhân gây tai nạn, phóng nhanh, vượt ẩu có thể nói là nguyên nhân đứng đầu.
Vụ tai nạn gây chấn động gần đây nhất xảy ra hôm 30/9 tại địa phận tỉnh Đồng Nai. Xe khách giường nằm của nhà xe Thành Bưởi do lái xe Hoàng Văn T. điều khiển chở hơn 30 hành khách trên quốc lộ 20, hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng. Khi đến Km48, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, xe khách giường nằm vượt bên trái một xe tải đi cùng chiều phía trước, đầu xe giường nằm bên phải đâm vào phía sau bên trái của xe tải. Sau đó, lấn qua phần đường chiều ngược lại và đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ chở theo 8 hành khách. Vụ tai nạn đã làm 5 người chết, nhiều người khác bị thương. Nguyên nhân được xác định, trong nhiều lỗi của tài xế Hoàng Văn T., có lỗi vi phạm tốc độ (tốc độ cho phép là 50km/h, nhưng tài xế đã cho xe chạy 69km/h), điều đáng nói là tài xế Hoàng Văn T. đang bị thu bằng 3 tháng cũng vì lỗi chạy quá tốc độ trước đó(!)
Cũng từ vụ tai nạn trên, qua điều tra đã làm lộ ra một khoảng trống rất đáng sợ. Số liệu được công bố cho thấy, qua ghi nhận từ hệ thống kiểm tra thiết bị giám sát hành trình - dữ liệu GPS tổng hợp từ Cục Đường bộ Việt Nam, vượt quá tốc độ cũng là lỗi vi phạm “như cơm bữa” của nhà xe Thành Bưởi, trung bình các xe Thành Bưởi vượt tốc độ khoảng 9.000 - 10.000 lần/tháng. Ngoài ra, nhiều đơn vị vận tải đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có số lần vi phạm tốc độ với số lượng từ 30.000 - 50.000 ngàn lần nhà xe chỉ trong 4 tháng gần đây”. (Nhân dân, số 24826, ngày 26/10).
“Vi phạm như cơm bữa” và dữ liệu đều nằm trong tay Cục Đường bộ, quyền năng xử lý cũng trong tay Cục này, vậy nhưng không thấy có sự nhắc nhở, xử lý kiên quyết, nghiêm khắc nào. Cho nên mới nảy sinh tâm lý coi thường. Và cũng vì vậy cho nên các vụ tai nạn giao thông (TNGT) có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ mới tiếp tục xảy ra, trong đó có vụ tai nạn đau lòng như đã đề cập.
TNGT do phóng nhanh, vượt ẩu là hiểm họa ai cũng nhìn thấy trước. Chính vì thế, khi quy định bắt buộc các phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (mà nhiều người vẫn gọi tắt là “hộp đen”) được ban hành, tuyệt đại đa số người dân đều vô cùng ủng hộ. Lẽ dĩ nhiên, động thái này gây “bất tiện”, tốn kém cho nhà xe nên đã bị giới kinh doanh vận tải phản ứng không ít. Song, dù phản ứng gì đi nữa, cuối cùng cũng buộc phải thực hiện; bởi có lẽ, cơ quan chức năng thấy nó giúp ích thực sự cho việc kiềm chế TNGT, và quan trọng nữa là được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Từ khi có Nghị định 86/2014-NĐ-CP đến nay, quy định bắt buộc các phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp “hộp đen” tính ra đã được áp dụng gần cả chục năm. Tuy nhiên, khi thấy tình hình TNGT vẫn diễn ra phức tạp, và phần đa đều do các phương tiện xe khách, xe tải gây ra, đã có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng nên thỉnh thoảng truy xuất dữ liệu “hộp đen” một cách ngẫu nhiên để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm nhằm tạo sự răn đe chung. Thế nhưng vụ xe Thành Bưởi vừa qua cho thấy một thực tế rất đáng buồn, đó là hình như cơ quan xử lý dù có dữ liệu trong tay nhưng… không làm gì cả. Và lý do được viện dẫn là do “hệ thống máy chủ truyền dữ liệu chậm được nâng cấp, dữ liệu ùn ứ chậm được giải tỏa”. Một lý do rất khó để thuyết phục người nghe, bởi lẽ, khi anh buộc người kinh doanh phải đầu tư lắp đặt thiết bị để cung cấp dữ liệu về cho anh, thì bản thân anh trước hết phải đủ năng lực tiếp nhận, quản lý và xử lý chứ. Sao lại lẽo đẽo chạy sau là thế nào (?!). Cũng thông tin trên báo Nhân dân số đã dẫn: “cả nước hiện có hơn 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải, mỗi năm các doanh nghiệp chi 1.000 tỷ đồng để truyền dữ liệu, chưa kể các chi phí lắp đặt, bảo trì, duy tu thiết bị…”. Con số này có phải là sự lãng phí, và hơn cả sự lãng phí là sự vô cảm chết người mà bất kể ai đọc được hẳn đều thấy thao thức, xót lòng.