Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương (thứ 3 từ trái sang) tham dự hội nghị

Hội nghị trên được Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ban Tổ chức Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam và các cơ quan, tổ chức Nhật Bản tổ chức.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong hợp tác về kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác số một về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Ông Sơn thông tin, tại Hội đàm cấp cao với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/5/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất cùng Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng và khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi với các điều kiện về đất đai, con người, môi trường, chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật Bản. Đây là cơ hội vô cùng thuận lợi để thúc đẩy hợp tác cấp địa phương giữa hai nước.

Luôn chào đón các nhà đầu tư

Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về cơ sở hạ tầng, văn hóa lịch sử của Thừa Thiên Huế trong công tác kêu gọi đầu tư. Trong đó, ông Phương nhấn mạnh đến quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản như, tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu và nhiều thành phố khác của Nhật Bản. Đặc biệt, TP. Huế vinh dự được Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko chọn làm điểm đến trong chuyến công du.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ hội nghị 

Theo ông Phan Quý Phương, trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, tỉnh đã không ngừng tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến một xã hội số, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án.

Hiện, toàn tỉnh đã thu hút được 117 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347 triệu USD. Trong đó, có 16 dự án đến từ doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 220,304 triệu USD.

“Một số công ty đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả như, Công ty TNHH một thành viên Thực Phẩm Huế, dự án may mặc của Công ty TNHH MSV; dự án công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen. Đặc biệt, dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư từ nhà đầu tư Nhật Bản của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Phương nói.

Với những kết quả đã đạt được, ông Phan Quý Phương mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trên các lĩnh vực như: Xây dựng hạ tầng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng các khu công nghiệp phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, sản xuất ô tô; đầu tư Khu công nghệ cao về dược phẩm, sinh học, y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp…; xây dựng cảng biển, dịch vụ hầu cần cảng, logistics gắn Cảng nước sâu Chân Mây; Đầu tư Khu đô thị mới; các khu du lịch đẳng cấp quốc tế; kết nối xuất khẩu lao động; xúc tiến kết nối giao lưu văn hóa, du lịch giữa 2 địa phương: Huế - Tokyo; xúc tiến mở đường bay Huế với Tokyo- Nhật Bản.

“Với mong muốn hỗ trợ một cách tốt nhất các nhà đầu tư vào Thừa Thiên Huế, thay mặt chính quyền tỉnh, tôi cam kết sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về thủ tục hành chính nhanh gọn; tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Chúng tôi sẵn sàng và nồng nhiệt chào đón các bạn đến đầu tư tại tỉnh chúng tôi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương chia sẻ.

 Kể từ năm 2017, Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được định kỳ tổ chức hàng năm. Hội nghị lần này đã tập trung trao đổi, làm rõ những phương hướng lớn và nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực, hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu Nhân dân cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ cắt băng khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Nhật Bản và 3 phiên chuyên đề với những chủ đề được hai bên quan tâm hiện nay: ‘Tăng cường thương mại - đầu tư’; ‘Giáo dục - đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực’; ‘Hợp tác phát triển văn hóa, du lịch’.

Ban tổ chức đã thu xếp cho hàng trăm cuộc gặp làm việc bên lề (G2G, G2B) giữa lãnh đạo và doanh nghiệp các địa phương Việt Nam với Ngài Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đối tác Nhật Bản.


THỌ MINH