Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Tỉnh ủy 

Là người phát hiện và nêu lại câu chuyện, tôi gọi điện cám ơn Thường  trực Tỉnh ủy và sự chỉ đạo sâu sát của cá nhân anh Phan Ngọc Thọ đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có 3 cha con ông Thiên Tường.

Câu chuyện “Vì sao chưa được công nhận... ”, tôi đã nêu rõ trên Báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 2/10/2023, nên trong phạm vi bài viết này chỉ tập trung phản ánh kết quả bước đầu của cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Theo đó, tại Công văn số 1194 do Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đặng Hồng Sơn ký ngày 19/10/2023 có nêu rõ: “Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận được Công văn 3238/SLĐTBXH-NCC, ngày 18/10/2023 của Sở LĐTB&XH về việc báo cáo nội dung liên quan hồ sơ xem xét, công nhận liệt sĩ của hai người con của ông Thiên Tường và có ý kiến như sau: Giao Sở LĐTB&XH căn cứ quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để hướng dẫn, tạo điều kiện cho thân nhân gia đình ông Phan Thọ và ông Phan Lộc thực hiện các thủ tục để đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ theo quy định (có thể thông qua ông Phạm Hữu Thu để liên hệ người thân trong gia đình)”.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ngày 21/10/2023, dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Phước, Sở LĐTB&XH đã mời tôi và đại diện Công an tỉnh, Phòng LĐTB&XH TP. Huế và đại diện phường Phú Nhuận trao đổi. Sau khi rà soát thủ tục, Sở LĐTB&XH chính thức đề nghị tôi giúp đỡ thân nhân ông Phan Thọ làm đơn gửi Thành ủy Huế và Công an Thừa Thiên Huế cấp “phiếu xác minh đối với người mất tích” theo quy định tại Nghị định 131/2021 của Chính phủ (còn trường hợp ông Phan Lộc do Sở LĐTB&XH đảm nhiệm và đề nghị tôi cung cấp thêm thông tin, nếu có).

***

Do thân nhân ông Phan Thọ không còn ai (cha mẹ, anh chị em qua đời, hiện ông Thọ chỉ còn 2 chị em gái định cư ở Hoa Kỳ hơn chục năm rồi không về thăm quê), thấu hiểu hoàn cảnh nên tôi đã hướng dẫn cho người cháu dâu Lê Ngọc Hoàng Anh (gọi ông Phan Thọ bằng cậu và hiện đang đảm nhiệm việc thờ cúng cho gia đình ông Thiên Tường ở Huế) gửi đơn (kèm hồ sơ do Sở LĐTB&XH cung cấp) cho cơ quan chức năng đề nghị xác minh.

Cách đây hơn chục năm, nhờ sự làm chứng của nguyên Thành ủy viên Huế Ngô Thị Đào, tôi mới biết trước khi bị “Cảnh sát quốc gia” thủ tiêu, ông Phan Thọ là cơ sở cách mạng hoạt động hợp pháp. Chính bà Đào xác nhận: “Tôi là người được đồng chí Hoàng Lanh giao nhiệm vụ nhận tài liệu từ rừng về giao lại cho đồng chí Thọ, con ông Phan Tích từ tháng 2/1964 cho đến khi cuộc tổng tấn công nổi dậy Xuân năm 1968… Sau đó, tôi nhận được tin đồng chí Phan Thọ bị địch bắt và đem đi thủ tiêu ở đâu tôi không rõ”.

Và mới đây câu chuyện về ông Phan Thọ đã dần sáng tỏ.

Ông Lê Xuân Sỹ, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Lợi - Huế xác nhận: “Từ năm 1966, tôi là cơ sở hoạt động nội thành do đồng chí Hoàng Lanh (tức Nguyễn Mậu Huyên) lúc đó là Thường vụ Thành ủy Huế tổ chức. Trong các năm 1966 - 1967, tôi được giao nhiệm vụ đến nhà thuốc Thiên Tường ở đường Duy Tân cũ (nay số 152 đường Hùng Vương, phường Phú Nhuận - Huế ) bí mật gặp đồng chí Phan Thọ, sinh năm 1942 lúc đó là cơ sở nội tuyến của đồng chí Hoàng Lanh cài cắm vào Tỉnh đoàn xây dựng nông thôn của ngụy. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, tôi hoạt động trong Đội vũ trang tuyên truyền Quận 3 có gặp đồng chí Phan Thọ lúc này đã công khai hoạt động cách mạng, chủ yếu là trên lĩnh vực trừ gian. Địch phản kích tái chiếm thành phố Huế, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Mãi đến sau ngày Huế giải phóng, tôi mới biết đồng chí Phan Thọ dù bị lộ nhưng do không thoát ly kịp nên đã bị lực lượng cảnh sát đặc biệt của Trưởng ty Cảnh sát Liên Thành bắt và bí mật thủ tiêu nên gia đình đồng chí Phan Thọ không tìm được hài cốt (tương tự như trường hợp nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha)”.

Ông Mai Bá Chủ, nguyên Phó Trưởng phòng TCHC Sở Y tế trước năm 1968 sống trong nhà của người bà con trên đường Duy Tân - An Cựu (đối diện với hãng dược Thiên Tường) cho biết: “Năm 1965, anh Phan Thọ là người đầu tiên ở Huế có xe Hoa Kỳ mui trần. Anh sống đàng hoàng làm cho lớp thanh niên chúng tôi rất nể”. Với vỏ bọc hào nhoáng như thế nên ông Phan Thọ đã ẩn dấu hành tung của mình. Do “xuất đầu lộ diện” công khai hoạt động cho cách mạng trong Xuân 1968 nên ông đã chấp nhận hy sinh!

Trở lại với trường hợp ông Phan Lộc, theo "phân công", Sở LĐTB&XH sẽ đảm nhiệm việc hoàn thiện hồ sơ cho ông Phan Lộc. Tuy nhiên, do ông Lê Minh, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế Xuân 1968 có cung cấp chi tiết “ông Văn Thiên Tường ở An Cựu làm chủ tịch phường, vì ra không kịp bị chúng đã giết cả hai cha con” nhưng do không nói rõ tên người con bị giết nên nhờ tôi bổ sung thông tin!

Đó là lý do tôi tìm về xã Phú Mậu. Trước khi đi, tôi đã cung cấp nội dung và đề nghị Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định giúp đỡ.

Do thi thể ông Phan Lộc và người người cha là Phan Tích  (Văn Thiên Tường) an táng ở quê nhà từ Xuân 1968 nên sau khi tiếp nhận thông tin của Bí thư Thành ủy Huế bà Trần Thị Minh Tâm (Bí thư Đảng ủy) và ông Nguyễn Văn Trai (Chủ tịch UBND xã) đã cho xác minh trước nên tôi đã nhận được xác nhận của chính quyền xã Phú Mậu.

“Tại nghĩa trang nhân dân thôn Lại Ân (làng Sình) hiện có phần mộ của ông Phan Lộc, phần mộ nằm cạnh phần mộ của ông Phan Tích (Văn Thiên Tường)”.

Nhận sự “ủy thác” của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và sự “phân công” của Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hữu Phước, tôi đã hoàn thành phận sự của mình.

Hơn chục năm trước, nhờ Báo Thừa Thiên Huế  lên tiếng nên đã thúc đẩy các cơ quan nhập cuộc (năm 2013, ông Thiên Tường đã được công nhận liệt sĩ) và năm nay - 2023, Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục “đồng hành” về câu chuyện hai người con của ông Thiên Tường.

Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tôi tin câu chuyện sẽ  kết thúc có hậu, vì họ xứng đáng được tôn vinh.

Bài, ảnh: PHẠM HỮU THU