Cán bộ thuế hỗ trợ người nộp thuế xác định các nghĩa vụ thuế liên quan (Ảnh minh họa) |
Khó khăn trong xác định nghĩa vụ thuế khi bán tài sản đảm bảo
Khó khăn kinh tế thời gian qua khiến cho tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 1.624 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,16%. Con số này đang rất cao so với những năm trước đó. Hiện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện xử lý gần 342 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, thu từ kênh khách hàng trả nợ là 156 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 46% nợ xấu được xử lý; sử dụng nguồn dự phòng rủi ro là 152 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 44,4%, còn lại là các kênh xử lý khác. Trong khi 9 tháng đầu năm 2022, con số nợ xấu tại các tổ chức tín dụng chỉ duy trì ở mức 566,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,79%. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn cao hơn con số 0,53% nợ xấu vào thời điểm cuối năm 2021.
Để đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng cũng như uy tín của tổ chức tín dụng việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, tăng cường công tác thu nợ được các ngân hàng khá quan tâm. Việc phải rao bán, thanh lý, phát mại tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là bước đi bất đắc dĩ nhằm xử lý, thu hồi nợ vay. Quá trình này được tiến hành sau khi ngân hàng đã thực hiện tất cả các bước, từ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ... Tuy nhiên do tác động của thị trường, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ vay, buộc ngân hàng thương mại phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Tại hội nghị đối thoại với người nộp thuế được Cục Thuế tổ chức gần đây nhiều doanh nghiệp và ngân hàng bày tỏ những khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ thuế khi bán các tài sản đảm bảo. Nghĩa là, song song với việc các tổ chức tín dụng xử lý các tài sản bảo đảm mà khách hàng đã thế chấp để vay thay cho một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, các tổ chức tín dụng, tổ chức đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng nhận được nhiều văn bản yêu cầu hướng dẫn liên quan bán đấu giá tài sản bảo đảm tiền vay; chính sách thuế bán đấu giá tài sản bảo đảm tiền vay của cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; chính sách thuế trong trường hợp tòa án bán tài sản đấu giá của các tổ chức cá nhân, ngân hàng và tòa án trên địa bàn.
Cần căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để xác định nghĩa vụ thuế
Theo bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, dựa trên từng trường hợp cụ thể theo pháp luật hiện hành mà người nộp thuế có thể xác định được nghĩa vụ thuế tương ứng. Trường hợp ngân hàng bán đấu giá tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật thì hoạt động bán tài sản bảo đảm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định Thông tư số 26 ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, trường hợp ngân hàng nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi ngân hàng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì ngân hàng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định. Trường hợp ngân hàng bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật có phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng tài sản (trừ bất động sản) thì ngân hàng hạch toán vào thu nhập khác.
Trường hợp bán tài sản bảo đảm tiền vay do tòa án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm theo quy định tại khoản 8, điều 4 văn bản hợp nhất số 67/VBHN-BTC thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Riêng về thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp tòa án thực hiện bán đấu giá bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay thì số tiền thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm tiền vay. Tổ chức được ủy quyền bán đấu giá bất động sản thực hiện kê khai, khấu trừ tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nộp vào ngân sách Nhà nước. Trên các chứng từ ghi rõ kê khai, nộp thuế về bán tài sản đảm bảo tiền vay.
Bà Âu Thị Nguyệt Liên thông tin thêm, trong trường hợp tòa án bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn theo quy định. Ngoài ra, tòa án không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có bán đấu giá tài sản, trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia tăng được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua theo quy định.