Trần Đỗ Nguyên (bên phải) tận dụng lợi thế đất vườn để phát triển mô hình nông nghiệp sạch |
Giữa những ngôi nhà san sát trong con hẻm đông đúc, khu vườn của Trần Đỗ Nguyên như một “cù lao xanh” nổi trên biển bê tông. Từ khi manh nha ý tưởng và bắt đầu theo đuổi đam mê nông nghiệp sạch đến nay, Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm để có được khu vườn xanh mướt, cho thu nhập tốt này.
Trước đây, khu vườn của gia đình Nguyên dùng để trồng các loại cây, rau tạp, giá trị kinh tế không cao, lại tốn nhiều công chăm sóc. Xuất phát từ nhu cầu của chính gia đình mình, cách đây 7 năm, nhận thấy việc sử dụng thực phẩm sạch, dinh dưỡng được người tiêu dùng ngày càng chú trọng, ý tưởng làm nông nghiệp trong Nguyên nảy nở.
Nguyên kể: “Mình nhận ra không riêng gia đình mình, nhiều người muốn có nguồn thực phẩm như rau quả, gà, cá sạch để bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc tìm được nguồn thực phẩm đảm bảo khá khó hoặc chi phí khá cao. Nhìn lại khu vườn tạp của gia đình, mình quyết tâm cải tạo để tạo thu nhập cao hơn, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho nhiều người”.
Hành trình đến với nông nghiệp sạch của Trần Đỗ Nguyên lắm chông gai. Không chỉ vì trái ngành, trái nghề mà còn bởi những biến cố lớn của cuộc đời. Nguyên chia sẻ: “7 năm gắn bó với đam mê cũng là 7 năm thăng trầm của cuộc đời mình. Với đủ biến cố, mình đã từng nghỉ học đại học, vào Nam, ra quê thi lại, học lại, cũng từng từ bỏ cơ hội việc làm phù hợp với ngành học ở phương xa. Bởi thế, khi đã lựa chọn ở lại quê hương, mình quyết tâm dồn hết tất cả tâm sức cho niềm đam mê này”.
Gửi gắm ước mơ vào những gốc bơ 034, đây là loại cây đầu tiên Nguyên trồng thử nghiệm tại vườn. Tận dụng các loại rác hữu cơ như rau củ tạp, vỏ trứng từ chợ địa phương, chàng trai 9X cải tạo đất liên tục để cây bơ sinh trưởng tốt hơn. Với địa thế cao, không bị ngập lụt, đất tơi xốp, thoáng khí, những cây bơ được trồng phát triển tốt và nhanh chóng cho quả với chất lượng vượt ngoài kỳ vọng.
Nguyên nói: “Thành quả thu được sau hai năm là những quả bơ to, cơm dẻo, béo, vỏ mỏng và có màu sắc đẹp đã tạo động lực cho mình tiếp tục cố gắng. Cùng với việc tiếp tục cải tạo đất, mình trồng thêm bơ, mãng cầu Đài Loan, chanh dây và các loại cây cho giá trị kinh tế thay thế chuối và cây tạp kém năng suất. Song song với cây trồng, mình nuôi thêm giun quế, đào ao nuôi cá chình, lươn và các loại cá khác”.
Vượt qua các loại dịch bệnh, không ngừng tìm tòi, học hỏi và cập nhật kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đến nay, mô hình của Trần Đỗ Nguyên đã mang về doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm bơ, cá chình và các nông sản, thủy sản từ vườn của Nguyên được khách hàng tin tưởng, sẵn sàng trả giá từ 50 – 60 nghìn đồng trên mỗi kg bơ và từ 550 – 600 nghìn đồng trên mỗi kg cá chình, các nông sản khác cũng cung không đủ cầu.
Anh Nguyễn Hồng Vinh, Bí thư Đoàn phường Phường Đúc, cho biết: “Đam mê với nông nghiệp sạch, Trần Đỗ Nguyên lựa chọn mô hình kinh tế với bơ 034, cá chình, chanh dây, mãng cầu Đài Loan... vừa cho thu nhập ổn định, vừa cung cấp nông sản sạch, chất lượng cho người dân trên địa bàn. Cùng với hoạt động đồng hành, động viên anh Nguyên, Đoàn phường đang tạo điều kiện để anh làm hồ sơ vay vốn từ Tỉnh đoàn để phát triển và nhân rộng mô hình này”.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong hoạt động phát triển kinh tế, Trần Đỗ Nguyên còn là đoàn viên tiêu biểu, tiên phong của phường trong các hoạt động phong trào của địa phương. Anh Vinh cho biết thêm: “Là Bí thư chi đoàn ưu tú, có nhiều đóng góp cho các hoạt động của phường, mới đây, Trần Đỗ Nguyên đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là động lực để anh Nguyên cống hiến sức trẻ của mình trong các phong trào của địa phương cũng như tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp sạch”.