Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một phát biểu. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
Nhận định được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị có chuyến thăm đến châu Á, sau chuyến đi đến Trung Đông trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine vẫn đang căng thẳng.
Theo đó, trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Israel để đàm phán về xung đột ở Trung Đông và sẽ dừng chân ở Jordan trước khi đến Nhật Bản để gặp các đối tác G7 và tiến hành đàm phán song phương với các quan chức nước này, cũng như có chuyến thăm đến Hàn Quốc và Ấn Độ. Chuyến đi kéo dài đến ngày 10/11. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á Daniel Kritenbrink chia sẻ với phóng viên: “Chuyến đi của Bộ trưởng đến khu vực thể hiện cam kết lâu dài và sự tập trung của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngay cả trong bối cảnh đang tồn tại nhiều thách thức toàn cầu”.
Theo lịch trình, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng G7 diễn ra tại Tokyo và có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko.
Lãnh đạo Mỹ dự đoán, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị G7 sẽ tập trung vào các sự kiện ở Trung Đông, hỗ trợ cho Ukraine, hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng với một loạt các vấn đề song phương và cả hợp tác ba bên Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á Daniel Kritenbrink cho biết, Nhật Bản từng là chủ tịch G7 “xuất sắc” và đã “giúp G7 tập trung cao độ vào các vấn đề cấp bách nhất cả trên toàn cầu và khu vực”.
Cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn lâu dài và trọng tâm cơ bản trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh, đối tác và các nước bạn bè. Đồng thời phát triển năng lực tập thể của các quốc gia, năng lực chung để các bên có thể cùng nhau hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong một ý kiến khác có liên quan, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Nam Á Donald Wu cho biết: “Những nỗ lực thúc đẩy dân chủ và nhân quyền” sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Ấn Độ, cũng như nằm trong tiến trình hợp tác mở rộng của chúng ta về năng lượng sạch, chống khủng bố, trí tuệ nhân tạo, không gian và sản xuất chất bán dẫn”.