GS. Thống và GS. Minh đang thực hiện lắp máy phá rung nhịp tim tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế |
Giúp máy trợ tim cho bệnh nhân
GS. Thống người gốc Huế. Trước năm 1975, ông cùng gia đình sinh sống ở Sài Gòn. Năm 23 tuổi, ông đã là Tiến sĩ ngành điện. Thế nhưng, ông lại thành đạt và trở thành giáo sư thiết kế chế tạo máy tạo nhịp phá rung tim, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng. Ông kể về cơ duyên và nỗi đam mê nhưng vất vả khi mình chuyển sang nghiên cứu, sản xuất một chiếc máy cứu người.
Những năm 1990, ông biết Việt Nam và thế giới có nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bị chết do không có máy trợ giúp. Năm 1993, ông chuyển qua làm việc tại Công ty Biotronik (Mỹ) thiết kế, sản xuất máy tạo nhịp phá rung tim, giữ chức Phó Tổng giám đốc kỹ thuật. Trước đó ông đã học, hiểu về ngành y sinh, tim mạch. Mùa thu năm 1993, ông thiết kế máy phá rung tim hai buồng đầu tiên của công ty. Mùa hè năm 1995, ông thực hiện xong. Lúc này, có một bệnh viện Nga đặt mua chiếc máy này. Ông bay sang Nga chỉ đạo lắp máy cho bệnh nhân. Sau này, ông đã nhiều lần qua Nga để chỉ đạo đặt máy tạo nhịp phá rung tim do mình sản xuất.
Cũng trong năm này, ông về Việt Nam dự hội thảo tim mạch. Tìm hiểu nhu cầu đặt máy của bệnh nhân, ông xúc động vì tỷ lệ người bị suy tim tử vong khá cao do không có máy trợ tim. Đa số bệnh nhân nghèo không có tiền mua máy. Ông trở về Mỹ xin máy cũ rồi về lạị Việt Nam huấn luyện cách cài đặt máy cho bác sĩ, kỹ thuật viên.
Năm 2000, qua GS.TS. bác sĩ Huỳnh Văn Minh, ông về Huế tìm hiểu nhu cầu đặt máy của bệnh nhân. Cũng là lần đầu tiên, ông và GS. bác sĩ Bùi Văn Minh (Việt kiều tại Mỹ) phối hợp cùng đội ngũ tim mạch Huế đặt chiếc máy tạo nhịp phá rung tim (ICD) đầu tiên ở Huế. Khi đặt máy, bệnh nhân bị sốc nhưng được cứu sống. Năm 2001, ông chuyển sang dạy môn kỹ thuật - y sinh tại Trường đại học Sức khỏe Oregon Mỹ. Là người có kinh nghiệm với các máy điều trị nhịp tim. Đến nay ông đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc với tập đoàn Northwest Signiling để tiếp nối ước mơ.
Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp Huế
GS. Bùi Văn Minh gốc Quảng Trị, là một cựu sinh viên Trường đại học Y khoa Huế, là GS lâm sàng Trường đại học Davis, California (Hoa kỳ), chuyên sâu ngành tạo nhịp tim từ 1993. Nay đã về hưu nhưng ông vẫn tiếp tục làm tại Bệnh viện Tim mạch tư nhân Yuba, California, Hoa kỳ.
Với kỹ thuật tạo nhịp 3 buồng tim vào năm 2012, Huế tự hào là nơi đầu tiên thực hiện phương pháp điều trị suy tim kháng trị nội khoa. Đây là kỹ thuật đỉnh cao điều trị suy tim kháng trị thời bấy giờ. Chi phí máy 3 buồng và phí lắp đặt mỗi trường hợp xấp xỉ 3 trăm triệu đồng đến 5 trăm triệu đồng, dù có BHYT chi trả cũng chỉ được 1/10 số tiền, còn lại bệnh nhân phải bỏ ra. Đây là thách thức cho bệnh nhân nghèo. Số bệnh nhân được giúp đỡ những năm qua có thể tính đến hàng chục, hàng trăm người với chi phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng.
Đánh giá cao các hoạt động nhân ái và khoa học của hai GS, Trường đại học Y Dược Huế đã phong Giáo sư cho 2 ông ngay từ những năm 2010. Hoạt động chuyên môn cao của 2 GS đã lan tỏa khắp toàn quốc và được sự kính trọng nể phục của các đồng nghiệp tim mạch tại Huế cũng như toàn quốc. "Không chỉ được đánh giá cao chuyên môn mà hai GS còn giản dị và khiêm tốn, gần gũi trong phong cách và lối sống, chấp nhận làm việc trong điều kiện phương tiện kỹ thuật nhiều nơi, nhiều lúc còn thiếu”, GS.TS. bác sĩ Huỳnh Văn Minh nói.
Bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến phương Tây trên bệnh nhân Việt Nam, 2 GS luôn động viên các đồng nghiệp tim mạch tại Huế sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong điều kiện khó khăn của địa phương. GS. Trần Thống luôn suy nghĩ làm sao để chất lượng máy ngày càng được nâng cao. Ông đã thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 bệnh nhân để nhìn sóng điện tâm đồ là phát hiện ra những nhược điểm, ưu điểm để cải tạo máy.
Tình cờ kiểm tra một bệnh nhân đặt máy điều trị suy tim ba buồng, khi biết thời hạn của máy chỉ được 3 năm, bệnh nhân lo lắng vì tuổi thọ của máy quá ngắn, trở về Mỹ, ông mãi ám ảnh về nỗi buồn của bệnh nhân khi biết máy chỉ tồn tại ba năm. Ông lại suy nghĩ và đã tăng thời gian hoạt động của máy lên 10 năm. Giả thuyết “nhịp tim nội tại”, “tạo nhịp hai buồng cho máy 3 buồng” đã được GS. Thống đề xuất và áp dụng thành công, giúp kéo dài tuổi thọ của máy, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân rất nhiều.
GS. Bùi Văn Minh đã thực hiện trên 5.000 ca tạo nhịp tim 3 buồng (con số cực kỳ ấn tượng so với thế giới) nhưng vẫn luôn cải tiến kỹ thuật khi đến Huế, đến Quảng Trị. Ông đã đề xuất cải tiến kỹ thuật đưa điện cực vào xoang vành tim của riêng mình, rút ngắn thời gian tạo nhịp tim 3 buồng trên thế giới, không còn 2-3 giờ mà chỉ còn 30 phút đến 1 giờ. Đây là kỷ lục đã được ghi nhận!