Lê Duy Ngọc viết thư pháp ở phố đi bộ ở đường Chu Văn An - Huế |
Vào Cố đô, Ngọc tìm đến học vẽ ở Trường đại học Nghệ thuật Huế, nhưng ở đây không giảng dạy bộ môn vẽ tranh thủy mặc, viết thư pháp. Vì vậy, bằng tình yêu, niềm đam mê của mình, chàng trai ấy đã tự tìm tòi học hỏi. Ngọc mày mò, nghiên cứu qua sách vở, giao lưu với những người có kinh nghiệm ở lĩnh vực vẽ tranh và viết thư pháp để dần dần tiến bộ, tinh tế, điêu luyện hơn trong từng nét bút của hành trình chinh phục lối đi riêng này trên con đường đến với hội họa.
Đam mê hội họa, Duy Ngọc lại chọn dòng tranh thủy mặc để thể hiện hết tâm huyết, tình yêu, thế giới tâm hồn, tài năng và cả quá trình khổ luyện của mình. Tranh thủy mặc dùng hình ảnh để diễn ý. Nội dung bức tranh ẩn chứa một ý nghĩa nhân sinh hay triết học nào đó. Cái khó trong tranh thủy mặc, khác tranh sơn dầu là mỗi nét vẽ sau khi hạ bút lên giấy thì không thể xóa, bỏ được. Đề tài của tranh thủy mặc là thiên nhiên như núi sông, hoa cỏ, chim muông. Lê Duy Ngọc luôn dành nhiều thời gian để trải nghiệm. Ngọc thường đi dạo, ngắm cảnh vật thiên nhiên rồi dùng chiếc điện thoại ghi lại hình ảnh một bông hoa đẹp, một dòng sông, ngọn cỏ ưng ý cho cảm xúc sáng tạo được thăng hoa.
Quá trình thực hiện ước mơ sáng tạo, Duy Ngọc vừa theo học ngành kỹ thuật điện để có công việc đem lại thu nhập ổn định, tạo điều kiện tiếp tục theo đuổi đam mê. Ngày thì cần mẫn với công việc của nhân viên kỹ thuật điện tại một công ty dệt may ở Khu Công nghiệp Phú Bài, đêm đêm, Duy Ngọc lại say sưa thả hồn mình vào từng nét vẽ và con chữ thư pháp. Chọn dòng tranh thủy mặc, thả hồn vào bức tranh, dường như Ngọc muốn buông bỏ những tạp niệm, giữ cho mình một khoảng lặng bình yên. Vì lẽ đó, từ năm 2017 đến nay, đều đặn vào các tối cuối tuần, trong chiếc áo dài và khăn đóng truyền thống, chàng họa sĩ ấy chọn cho mình một góc nhỏ trên con đường Chu Văn An ở phố đi bộ để vừa vẽ, vừa trưng bày, vừa giúp cho du khách trong và ngoài nước được trải nghiệm, thưởng thức dòng tranh thủy mặc cũng như nghệ thuật thư pháp truyền thống của dân tộc.
Thấy tôi có vẻ băn khoăn vì sao nơi chốn đông người như phố đi bộ, những buổi hội chợ mà vẫn vẽ được, anh cười và chia sẻ: “Đây cũng là một cách để mình tập luyện. Hướng đến tĩnh tâm không đơn giản; khi vẽ, mình đặt trọn cảm xúc, tâm trạng vào tác phẩm, chỉ còn nghe lòng mình, không để ý đến tác động xung quanh, đó là lúc mình đã thành công”. Có lẽ đó là lý do mà Ngọc theo đuổi dòng tranh thủy mặc. Bởi qua nét chấm phá, hình ảnh ước lệ, người nghệ sĩ gửi vào đó cả thế giới cảm xúc, những nỗi niềm và khát vọng.
Trải qua quá trình khổ luyện, giờ đây, tay bút của họa sĩ, nhà thư pháp trẻ Duy Ngọc thật sự điêu luyện, mềm mại. Với cây bút lông trên tay, chỉ mất chừng 10 đến 15 phút, chàng trai ấy có thể hoàn thành một bức tranh trên giấy xuyến chỉ bồi lụa. Tìm niềm vui trong hội họa, Duy Ngọc luôn giữ cho mình một tâm hồn đẹp, thư thả giữa cuộc sống bộn bề. Đó cũng là cách mà người trẻ góp phần gìn giữ, phát triển nét văn hóa đặc sắc.
Hơn 10 năm bén duyên với nghệ thuật, Lê Duy Ngọc có trong tay cả gia tài lớn tranh thủy mặc và thư pháp. Tác phẩm của anh thường xuyên có mặt tại các cuộc triển lãm trong những dịp Festival Nghề truyền thống Huế. Hiện tại, anh tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao TP. Huế. Phòng tranh của CLB Thư pháp ở 51 Hai Bà Trưng, nơi trưng bày những tranh vẽ, bức thư pháp đặc sắc của Ngọc, của những họa sĩ, nhà thư pháp Huế là địa điểm lý tưởng cho những ai đam mê hội họa, góp phần tô điểm hương sắc cho phố đi bộ giữa lòng thành Huế.
Mỗi người tìm đến các loại hình nghệ thuật để thỏa niềm đam mê. Với Lê Duy Ngọc, hành trình gian nan trên con đường vẽ tranh và viết thư pháp ngoài niềm đam mê, còn là cách để Ngọc luôn giữ cho mình chữ AN trong tâm hồn. Đó cũng là khát vọng níu giữ hồn sắc văn hóa giữa nhịp sống hối hả hôm nay.