Bulog sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như hạ nhiệt giá gạo tại Indonesia. Ảnh: VOI/Laodong 

Tuy nhiên, Thư ký Bulog - ông Awaludin Iqbal nhấn mạnh rằng lượng hàng nhập khẩu đó sẽ phụ thuộc vào cung và cầu trong nước.

Đồng thời, quốc gia Đông Nam Á này cũng tuyên bố sẽ gia hạn chương trình hỗ trợ gạo hàng tháng cho 22 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp cho đến tháng 6/2024, thay vì sẽ hết hạn vào tháng tới, để bảo vệ người nghèo trước tình hình giá cả tăng cao.

Theo Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan, chính phủ đã quyết định gia hạn chương trình vì giá gạo vẫn chưa giảm.

Trong thời gian qua, giá gạo đã tăng mạnh do hạn hán liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino, gây ảnh hưởng đến mùa màng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đó cho biết tính đến cuối tháng 10, giá gạo đã tăng 19,8%.

Dữ liệu cho thấy lượng nhập khẩu gạo của Indonesia trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay là 1,79 triệu tấn, trong khi trữ lượng tồn kho gạo của Bulog còn 1,4 triệu tấn tính đến đầu tháng 11 này.

Mới đây, Bulog đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, như một phần trong hạn ngạch bổ sung 1,5 triệu tấn được phân bổ từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Myanmar.

Ông Mokhamad Suyamto, Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ công tại Bulog, tiết lộ rằng đợt nhập khẩu bổ sung này nhằm mục đích tăng cường kho dự trữ gạo của chính phủ cho đến năm 2024, đồng thời cho biết Bulog sẽ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn được đặt ra.

Theo ông, Bulog hiện đang quản lý kho dự trữ gạo 1,45 triệu tấn, và trữ lượng này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối cho năm tới và duy trì sự ổn định của gạo trong nước.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Bulog đã phân phối tổng cộng 885.000 tấn gạo để bình ổn thị trường và 641.000 tấn gạo trong chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo trên cả nước trong gian đoạn từ tháng 9 đến tháng 11.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)