Các sản phẩm của tỉnh được giới thiệu tại các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” năm 2023 |
Đầu tháng 4, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên của TP. Huế khai trương. Mô hình này với mục tiêu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản; xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Từ khi ra đời, không chỉ nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trên toàn tỉnh được bày bán mà điểm giới thiệu này còn là nơi kết nối các sản phẩm nông sản, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ khác đến tay người tiêu dùng.
Với phương châm “3 đúng”: Đúng giá, đúng chất lượng, đúng nhà sản xuất, cửa hàng đang dần tạo lòng tin với thị trường, đặc biệt là khách du lịch.
Theo chủ cửa hàng Mai Quốc Bảo, điểm giới thiệu này ngoài phân phối, bày bán trực tiếp, còn giới thiệu sản phẩm trên nền tảng online. Từ khi hoạt động, doanh thu cửa hàng đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP và đặc sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ đến trưng bày tại cửa hàng để lan tỏa mô hình này, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến du khách và người dân trong cả nước”, ông Bảo chia sẻ.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu xóa bỏ được nỗi khổ “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông dân. Song, câu chuyện, sản phẩm đặc trưng của các địa phương khó tiếp cận được thị trường tồn tại rất nhiều năm. Không ít sản phẩm khó thương mại hóa khiến hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp.
Nhận diện được điểm khó đó, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm điểm bán hàng Việt Nam tại Cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm và điểm bán hàng Việt tại cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt. Đồng thời hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Thiên Hương, hỗ trợ xây dựng 1 trung tâm và 3 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Quảng Điền…
Đặc sản thanh trà, một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh được kết nối với thị trường. Ảnh: NGỌC HÒA |
Từ những điểm bán này, sản phẩm của người dân không chỉ có chỗ “trú chân” mà còn góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối. Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 cho biết, điểm bày bán sản phẩm OCOP không chỉ góp phần kết nối với người tiêu dùng mà còn giúp khách du lịch có cái nhìn tổng thể hơn về sản phẩm. “Nhiều đoàn khách đến tham quan hợp tác xã, họ cảm thấy thích thú được trải nghiệm các công đoạn sản xuất, đến việc hoàn thiện đưa sản phẩm lên kệ hàng. Từ khi mở điểm bày bán, giới thiệu, các sản phẩm của hợp tác xã được thị trường chú ý hơn”, ông Trí nói.
Ngoài sản phẩm OCOP, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, ngoài những chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất. Đó là, Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 44/2021/QĐ-UBND ban hành quy chế xây dựng và quản lý, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định số 06/QĐ-UBND phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2022…
Theo lãnh đạo Sở Công thương, năm 2023 thông qua các hoạt động như, hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, nhiều biên bản ghi nhớ, biên bản cam kết kết nối, sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh được các nhà phân phối đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã; hội chợ thương mại diễn ra tại Hà Nội cũng đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm hạt sen, trà sen, các thành phẩm sen Huế, bánh ép, bánh in Huế, mứt thanh trà, mứt gừng sấy lạnh, các loại kẹo, mè xửng, sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu các loại, nhạc cụ mỹ nghệ, chè Truồi,... Ngoài ra, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thanh trà, đặc sản, OCOP, thủ công mỹ nghệ của tỉnh tại thành phố Huế cũng đã giới thiệu 20 gian hàng với 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh đến từ các huyện, thị xã và thành phố Huế, doanh số bán hàng của các đơn vị đạt trên 100 triệu đồng. Song song với đó công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được tỉnh quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhận định, nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần tăng cường nhận thức về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu và chủ động hội nhập quốc tế.
“Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu, tỉnh đang theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng. Khai thác tốt thị trường trong nước giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh.