Có kỹ năng nghề, người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm ổn định |
Cần cả lượng và chất
Theo tổng hợp nhu cầu lao động dự báo từ nay đến năm 2025, DN tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng khoảng từ 15.000 - 18.000 lao động thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Trong đó, tập trung phần lớn tại địa bàn KKT Chân Mây - Lăng Cô với trên 10.000 lao động. Còn tại các KCN đã được đầu tư hạ tầng, như Phong Điền, Phú Bài cần khoảng 8.000 lao động.
Cũng theo điều tra, khảo sát định hướng phát triển và nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn tỉnh nói chung, các KKT, KCN nói riêng đến năm 2025, định hướng xây dựng lực lượng lao động của tỉnh trong thời gian tới tập trung ưu tiên đào tạo các ngành, lĩnh vực chính, như: các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch như: công nghiệp phần mềm, vật liệu mới, cơ khí chính xác, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện, điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp dệt may - nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may, sản xuất giày dép, đồ nhựa; các ngành công nghiệp phục vụ cảng, vận tải biển; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu...
Những năm qua, công tác thu hút, tuyển dụng lao động vào KKT, KCN tỉnh có những bước phát triển mạnh. Số lượng và quy mô các DN trong KKT, KCN ngày càng tăng theo từng năm. Từ việc xây dựng kế hoạch tạo việc làm hàng năm, giai đoạn 5 năm cho đến nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của DN kết hợp với công tác dự báo, các đơn vị, ban ngành liên quan đã chủ động trong công tác đào tạo nghề nghiệp, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Tính đến nay, tại 6 KCN và 2 KKT, có hơn 190 DN đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 27.000 người lao động. Trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng của nguồn nhân lực được nâng cao, với hơn 78% lao động đã qua đào tạo và trên 21% lao động không có trình độ chuyên môn.
Mặc dù theo thống kê, trình độ lao động qua đào tạo tăng cao hơn so với các giai đoạn trước, nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề, như kỹ sư công nghệ, kỹ sư thực hành, lao động kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng các ngành, lĩnh vực thế mạnh phát triển của tỉnh còn thiếu. Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN tại một số ngành, như: may công nghiệp, may thời trang, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm…
Tạo nguồn nhân lực thực chất
TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thẳng thắn đánh giá, số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản còn quá thiếu so với yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt - may, công nghệ thông tin. Đội ngũ lao động "chất xám" còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trình độ ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu của công việc; thiếu kỹ năng tư duy, sáng tạo; kỹ năng giải quyết vấn đề và các kỹ năng mềm khác. Thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các lĩnh vực thương mại, logistics, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật…
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để làm tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cần hình thành và vận hành tốt cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN để xây dựng các chính sách hỗ trợ, đa dạng hóa hình thức tuyển dụng nhân lực đem lại hiệu quả đầu vào và đầu ra đúng với thực tiễn. Lực lượng lao động cần được đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng để cung ứng cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: du lịch là mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Tại Kế hoạch 333 ngày 2/10/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch 133 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng yêu cầu xây dựng mô hình gắn kết cơ sở GDNN với DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động, trong đó chú trọng 100% các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng phối hợp với ít nhất 1 DN phù hợp với nghề đào tạo. Định kỳ hằng năm tổ chức đối thoại "3 nhà": Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chính sách trong GDNN và tăng sự gắn kết GDNN với DN. Phối hợp với các địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Ban quản lý KKT, KCN tỉnh, Hiệp hội DN... tổ chức hội nghị cung ứng nhân lực đáp ứng thị trường lao động từng địa phương, người sử dụng lao động.