Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững 

Chồng mất vì tai nạn giao thông, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, lại bị bệnh và phải nuôi 2 con ăn học nên chị Hoàng Thị H., xã Thuỷ Bằng, TP. Huế được bình xét là hộ nghèo từ nhiều năm qua. Ngoài các nguồn hỗ trợ thông qua Quỹ “Vì Người nghèo” và quà từ các tổ chức, nhà hảo tâm, đầu năm 2022 chị H. được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế. Có vốn, chị mở cửa hàng tạp hoá phục vụ người dân trong xã và tạo nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống.

Chị H. chia sẻ: “Mặc dù thu nhập từ cửa hàng không cao, song việc làm ổn định và phù hợp với sức khoẻ, có thời gian đưa đón con nên khá thuận lợi. Sau gần 2 năm vay vốn, ngoài số tiền lãi chi tiêu trong gia đình, mình đã trả được một số tiền gốc và lãi vay nên khá yên tâm, không còn lo các sinh hoạt phí hằng ngày như trước”.

Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng CSXH, 10 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết cho vay hơn 6 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách với doanh số cho vay 295.667 triệu đồng. Trong đó, chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002 với doanh số cho vay trong 10 tháng là 2.680 triệu đồng, với 82 lượt khách hàng được vay vốn.

Ngoài ra, chương trình cho vay hộ cận nghèo với doanh số cho vay 10 tháng là 199.585 triệu đồng, với 4.113 lượt hộ được vay vốn; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay trong 10 tháng là 4.790 triệu đồng với 97 lượt hộ được vay vốn… Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, mới thoát cận nghèo tiếp tục có vốn sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho các hộ này được thoát nghèo bền vững.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi trên địa bàn TP. Huế được triển khai thông qua chính sách tín dụng ưu đãi 

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, cùng với chính sách tín dụng ưu đãi, trong năm 2023 thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu GNBV, trong đó hỗ trợ một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo nghề cắt may, nghề làm bánh và pha chế; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức tư vấn đào tạo các ngành nghề, như: kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh lợn, gà; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh; nghiệp vụ chăm sóc da và trang điểm; kỹ thuật điêu khắc gỗ; kỹ thuật chế biến món ăn; may công nghiệp; điện dân dụng…

Để công tác quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt hiệu quả cao, làm cơ sở để xây dựng các phương án, chính sách GNBV theo từng hộ gia đình, sắp tới thành phố tiếp tục hoàn thiện phần mềm rà soát, theo dõi hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng đầy đủ các chức năng cần thiết trong quản lý. Trong đó, bổ sung chức năng hỗ trợ cấp xã cập nhật và chỉnh sửa thông tin thành viên hộ (khi phát hiện sai sót về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính...); xây dựng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên đảm bảo quy định để cấp xã chủ động trong công tác quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương; tổ chức dữ liệu lưu trữ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm hiệu quả, làm cơ sở để theo dõi, tổng hợp diễn biến tăng, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng đơn vị đảm bảo chính xác.

Mặt khác, cung cấp chức năng truy xuất thông tin hộ trên cơ sở từng số liệu tổng hợp; đồng thời đảm bảo phần mềm hoạt động 24/24 để cấp xã (kể cả các thôn/tổ) có thể theo dõi, quản lý thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình mọi lúc, mọi nơi trên bằng phần mềm trên điện thoại thông minh.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG