Hội viên phụ nữ Hội LHPN phường Phú Thượng dùng giỏ nhựa đi chợ thay thế cho túi nilon |
Nhận bì rau, quả từ người bán, chị Hoàng Thị Hương, TDP Tây Thượng, phường Phú Thượng nhanh nhảu: Ui ui, lâu nay đi chợ em đâu cần túi nilon nữa, chị bỏ vào giỏ nhựa giúp em. Còn người bán thì vui vẻ, ờ chị cứ quen tay, mà quên mất giờ ở chợ Nam Phổ (Phú Thượng) mình, đa số chị em đi chợ đều dùng giỏ xách, làn nhựa, không mấy ai dùng túi nilon để đựng đồ nữa.
Vừa đi ngang qua, nghe được câu chuyện của chị Hương và người bán hàng, chị Phương cũng góp vui: Đúng đó, coi tui nè, thịt, rau, đu đủ… đều bỏ trong giỏ nhựa, hôm nào muốn mua cá là tui bới theo cái hộp riêng để đựng cho sạch sẽ. Chị em mình ai cũng hưởng ứng nhiệt tình thế này thì túi nilon chỉ có mà bị ế dài dài.
Việc sử dụng túi nilon hiện nay rất phổ biến, mỗi ngày, một người đi chợ sẽ sử dụng trung bình từ 5-7 túi nilon là chuyện thường, cũng từ đó sẽ có một lượng rác khổng lồ, khó phân hủy sẽ thải ra môi trường. Thói quen này đã vô tình gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sống. Bởi vậy, việc giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon là một việc làm hết sức cần thiết.
Vì thế, không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Thượng mà cơ sở hội đã triển khai các mô hình dùng làn, giỏ nhựa đi chợ và khuyến khích các hội viên tham gia. Đồng thời, tuyên truyền vận động chị em và người thân trong gia đình sử dụng các loại túi, giấy báo dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa dung các vật liệu nhựa sử dụng một lần...
Những mô hình này ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn thể hội viên và người dân trên địa bàn phường, dần thay đổi nhận thức, hạn chế dùng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.
Chính vì thế, chiếc giỏ nhựa đã trở thành người bạn đồng hành của chị Linh, TDP Tây Trì Nhơn, phường Phú Thượng mỗi khi đi chợ. Trước đây, không chỉ chị Linh mà hầu hết phụ nữ trong phường có thói quen đựng thực phẩm trong túi nilon mỗi khi đi chợ. Nhưng từ khi được hội phụ nữ các cấp vận động dùng làn, giỏ nhựa đi chợ và tuyên truyền về tác hại của túi nilon với sức khỏe và môi trường, chị đã chuyển sang dùng giỏ nhựa để đi chợ hằng ngày. Lúc đầu cũng bất tiện vì cứ thấy để đồ vào giỏ nhựa lỏng lẻo, nhưng bây giờ thì thành thói quen. Hơn nữa, khi ra chợ thấy mọi người cũng dùng làn nhựa, giỏ nhựa để đi chợ như mình, tôi thấy việc làm này có ý nghĩa.
“Trước đây, mỗi lần đi chợ về, nhà tôi có thêm ít nhất 5 túi nilon đủ kích cỡ. Bây giờ, lượng túi nilon cũng giảm và có ngày tôi không phải sử dụng đến bất cứ loại túi nilon nào, túi đựng rác tôi cũng chọn loại có thành phần sinh học, thân thiện với môi trường....”, chị Linh nói.
Không chỉ riêng chị Linh, chị Hương mà nhiều hội viên trong phường cũng thay đổi dần thói quen, thực hiện theo cách làm này, từ đó hạn chế đáng kể chất thải nhựa và túi nilon ra môi trường.
Bà Trần Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng cho biết: Khi mới triển khai, chúng tôi không nghĩ là chị em hội viên sẽ nhiệt tình hưởng ứng như vậy, bởi thói quen sử dụng túi nilon đã hình thành từ lâu đối với mọi người. Với ý thức BVMT, các hội viên đã không ngại thay đổi, không ngại đối diện với những bất tiện bước đầu để hình thành một thói quen có ích hơn, thay thế thói quen có hại đối với môi trường. Trong các buổi sinh hoạt, các cơ sở hội đã tuyên truyền lồng ghép, phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của rác thải nhựa tới sức khỏe, môi trường. Hội kết nối với tổ chức tặng làn nhựa, giỏ nhựa cho chị em sử dụng khi đi chợ.