Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 23% nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: https://ieefa.org |
Trang trại năng lượng mặt trời nổi Cirata được xây dựng trên một hồ chứa rộng 200 ha ở Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 130 km. Trang trại này dự kiến sẽ sản xuất đủ điện đáp ứng cho nhu cầu của 50.000 hộ gia đình.
“Hôm nay là một ngày lịch sử, khi giấc mơ lớn của chúng ta là xây dựng một nhà máy năng lượng tái tạo trên quy mô lớn cuối cùng đã trở thành hiện thực. Chúng ta đã xây dựng được trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất ở Đông Nam Á và lớn thứ ba trên thế giới”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh trong bài phát biểu nhân dịp khánh thành trang trại Cirata.
Đây là dự án có sự hợp tác giữa công ty điện lực quốc gia Indonesia Perusahaan Listrik Negara và công ty năng lượng tái tạo Masdar có trụ sở tại Abu Dhabi, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Dự án mất ba năm để hoàn thành và tiêu tốn khoảng 100 triệu USD.
Trang trại năng lượng mặt trời nổi Cirata bao gồm 340.000 tấm pin, được tài trợ bởi Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Societe Generale và Standard Chartered. Ban đầu, trang trại dự kiến sẽ bắt đầu tạo ra 145 MW vào cuối năm nay, nhưng gần đây hai công ty quản lý dự án đã tuyên bố đồng ý mở rộng dự án khi tăng gấp ba lần quy mô của trang trại nổi Cirata để có thể tạo ra 500 MW.
Trước đó, Chính phủ Indonesia cho biết sẽ cố gắng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy Indonesia có tiềm năng khai thác điện mặt trời nổi trên 2.719 vùng nước phù hợp, với công suất dự kiến có thể đạt gần 270.000MW (megawatt) và tiềm năng phát điện là hơn 369.000GWh/năm. Theo dữ liệu gần đây của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Indonesia đã có 291MW công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt tính đến cuối năm 2022.
Tuy nhiên, năng lượng mặt trời và năng lượng gió mỗi loại chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nguồn năng lượng của Indonesia, khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện.
Nước này đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, nhưng vẫn tiến hành xây dựng những nhà máy đã được lên kế hoạch từ trước bất chấp sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động.
Đồng thời, với tư cách là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới - thành phần chính của pin lithium-ion, Indonesia cũng đang cố gắng khẳng định mình là quốc gia chủ chốt trong thị trường xe điện, nhưng một số khu công nghiệp có các nhà máy luyện niken tiêu tốn nhiều năng lượng lại sử dụng than.
Trong khi đó, một báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) cho thấy ngày càng nhiều các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiến hành xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời nổi để sản xuất điện với giá có thể cạnh tranh với nhiệt điện than.
Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Singapore đã khánh thành một trong những nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới hiện nay, trải rộng trên diện tích 45ha, có thể sản xuất đến 60MW điện, giúp giảm lượng khí thải CO2 khoảng 32 kiloton hàng năm.
Hai năm trước, tập đoàn Điện lực Thái Lan (Egat) cũng đã đưa vào vận hành trang trại năng lượng mặt trời nổi với quy mô công suất 45MW.
IEFFA nhận định, việc tăng tốc triển khai các dự án năng lượng nổi tại Đông Nam Á là một bước tiến lớn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung, đồng thời giúp các nước phụ thuộc vào nhập khẩu than của khu vực có thể thoát khỏi nguy cơ giá nhiên liệu biến động.