Một học sinh điều trị nội trú tại BV Da liễu vì vết thương lan rộng vùng trán |
Mất ăn, mất ngủ
Trong 2 tháng vừa qua, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Da liễu Huế khám, điều trị 200 người dân bị viêm, bỏng da do kiến ba khoang (KBK), trong đó một số trường hợp phải nhập viện điều trị do vết thương lan rộng, loét, nhiễm trùng. Riêng tại Trung tâm y tế (TTYT) TX. Hương Thủy, các ca bệnh đến khám tập trung 2 tuần trở lại đây. Tại TTYT Phú Vang có khoảng hơn 150 ca bệnh dạng này khi mùa mưa bắt đầu.
Bà Nguyễn Thị P. L. (Hương Toàn, TX. Hương Trà) đưa cháu gái Nguyễn D.N.A. 9 tháng tuổi đến khám ở BV Da liễu vì vết viêm da ở lưng không lành, còn phát sinh thêm ở vùng đùi và mang tai. Sau khi vào khám, được bác sĩ dặn dò, phát thuốc bà mới thở phào nhẹ nhõm. Vừa dỗ cháu, bà P. L. nói: “Ba mẹ cháu làm công nhân may, thấy con bị vậy, mua về ống thuốc gì màu đỏ 50 ngàn. Sau khi bôi, cháu khó chịu quấy khóc, ăn ngủ không ngon, bệnh không lành. Tui lo quá mới đem cháu đi bệnh viện khám”.
Trong khi N. A. được điều trị ngoại trú, cháu Trương H.K.N. ở TP. Huế, một học sinh lớp 2 phải điều trị nội trú 5 ngày qua. Vùng da N. bị viêm, lở chiếm gần hết phần trán nay dần khô và bong tróc. Anh Trương H. Tr., cha em K. N kể: “Ban đầu, cháu chỉ bị đỏ trên trán, cảm giác đau rát. Tôi đã cẩn thận dùng nước muối rửa vết thương. Sau vài ngày thấy vùng viêm lan ra, chảy nước, nguy cơ nhiễm trùng nên gia đình đưa cháu đến BV Da liễu. Nhà tôi ở sát ruộng, KBK dễ xâm nhập. Đợt này về tôi sẽ lưu ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên”.
Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng khổ sở vì KBK. Chị Lê T. M. theo nghề làm rau ở Quảng Thọ, Quảng Điền sau khi tiếp xúc với KBK, vết thương loang rộng ở vùng đùi. Trước đó, chị ra quầy thuốc tây mua thuốc về bôi nhưng vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng. Chị nhập viện điều trị gần 1 tuần, phải dùng kháng sinh. “Đây là lần đầu tiên tôi bị như thế này, cứ nghĩ kiến cắn đơn giản, bôi chút thuốc là xong. Ai ngờ vết thương đau nhức nghiêm trọng, không ngủ được phải đi nhập viện. Lên đây BS tư vấn mới biết, tôi liền gọi điện về nhà dặn chồng con kiểm tra giường chiếu phòng ngủ mỗi ngày cho yên tâm”, chị M. chia sẻ.
Cùng phòng bệnh với chị T.M. có bà Ngô T.C. ở Bình Thành, TX. Hương Trà. Bà C. làm nghề rừng bị nhiều vết viêm da bỏng rộp, có mủ ở vùng mắt, nách, gáy, cổ… Sau 1 tuần nằm viện điều trị, các vết viêm đã bớt đau nhức. Bà than: “Nhà gần rừng, tôi bị kiến cắn nơi cổ nên đập hắn. Sáng hôm sau ngủ dậy, thấy ngứa rát nên đưa tay gãi, sau đó bị bỏng ngứa nhiều điểm khác và nổi hạch. Tui sụt mất 3kg. Lần đầu tiên mới chộ loại kiến độc đến ri”.
Điều trị càng sớm càng tốt
Trong thân KBK có chất Pederine (C24H43O9N) gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo lượng dịch xâm nhập qua da. Loại côn trùng này nhạy với đèn huỳnh quang, chúng thường vào nhà, công trình cao tầng. Theo phản xạ, người dân thường đập hoặc chà xát khi thấy kiến trên người, vô tình gây nên tình trạng viêm da bọng nước. Trong khoảng thời gian 6 - 8 tiếng tiếp xúc với dịch KBK, sẽ có cảm giác hơi ngứa rát, đỏ da dạng vệt, vùng lan rộng. 12 - 24 giờ tiếp theo, vùng da viêm đó sẽ có mụn nước hoặc mủ; tình trạng này có thể loang rộng bóng mủ kèm theo đau rát, sốt nhẹ hay sốt cao.
Đây là một dạng viêm da tiếp xúc kích ứng, nếu viêm lan rộng dễ để lại sẹo về sau, gây mất thẩm mỹ. Do đó, nên điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh thường khỏi sau 7- 10 ngày. Da viêm nhẹ có thể làm sạch vết thương, bôi một số loại thuốc làm dịu, bệnh sẽ tự khỏi. Trường hợp sốt cao, nổi hạch, da có dấu hiệu nhiễm trùng nên đến ngay các cơ sở y tế về da liễu để được tư vấn. Tuần trước, có bé 3 tháng tuổi bị tổn thương da vùng mặt nghiêm trọng vì KBK do cha mẹ bé tự điều trị ở nhà. Khi nghe bác sĩ kết luận tình trạng của bé sẽ để lại sẹo, mất nhiều thời gian điều trị, cha mẹ bé tự trách không dứt khoát trong việc đưa con đến BV sớm hơn.
BSCKI. Nguyễn Đắc Hanh, Giám đốc BV Da liễu Huế cho biết: “Viêm da do KBK dễ nhầm lẫn với zona, herpes, vì vậy, có người tự ý mua thuốc về bôi gây biến chứng nghiêm trọng. Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng vết thương nhiễm trùng, lan rộng do điều trị theo phương pháp dân gian, đắp lá”. Với vết thương đặc biệt nguy hiểm vùng mắt sẽ gây phù nề vùng da quanh mắt, thương tổn giác mạc, nghiêm trọng hơn có thể giảm thị lực”, BS Nguyễn Đắc Hanh cảnh báo thêm.
Tại một số địa bàn thấp trũng, các đơn vị đã tăng cường truyền thông ngăn chặn KBK cùng biện pháp phòng tránh viêm da khi tiếp xúc với loại côn trùng này. Các chuyên gia khuyên nếu thấy KBK đang bám trên, có thể nhẹ nhàng thổi đi hoặc dùng tờ giấy để kiến bò qua rồi mang vất bỏ, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp.