Phát lương hưu hằng tháng cho hưu trí tại phường Thuận Hòa, TP. Huế

Trước khi được nhận lương hưu, bà Nguyễn Thị Tâm, phường Thủy Biều, TP. Huế đã cân nhắc, đắn đo mãi, bởi lẽ khi nghỉ công tác, thời gian đóng BHXH của bà mới có 15 năm 1 tháng nên vẫn còn thiếu 4 năm 11 tháng mới đủ điều kiện nhận lương hưu.

Theo chia sẻ của bà Tâm, thời điểm đó cứ lưỡng lự, tính toán xem nên nhận BHXH 1 lần hay đóng tiếp để sau này nhận lương hưu. Bởi, số tiền nhận BHXH 1 lần ước tính hơn 100 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn, có thể làm được nhiều việc như góp vốn kinh doanh, mở cửa hàng buôn bán hoặc gửi tiết kiệm, cho con cháu… ; còn nếu muốn sau này nhận lương hưu thì phải vay mượn để đóng tiếp. Sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè và được chồng con ủng hộ, bà Tâm quyết định đóng tiếp. Nhờ vậy nên 9 năm qua, hằng tháng bà được nhận lương hưu và được tặng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, không phụ thuộc con cháu.

Còn với bà Dương Thị Mai, 72 tuổi, hưu trí phường Thuận Hòa tâm sự: “Có lương hưu người già cảm thấy tự tin hơn vì nó như một điểm tựa vững chắc về kinh tế. Hơn nữa, khi ốm đau có BHYT chi trả với chi phí cao thì lại càng yên tâm hơn. Với số tiền lương hưu, mỗi tháng tôi còn trích mấy trăm ngàn tham gia BHXH tự nguyện cho cậu con trai làm kinh doanh tự do để mai sau cũng có lương hưu như mình”.

BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Theo đó, thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp tự chủ hơn trong cuộc sống và không lệ thuộc vào gia đình, xã hội.

Theo thống kê, đến hết tháng 10/2023 toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người hưởng lương hưu, mới đạt xấp xỉ 24% số người cao tuổi trên toàn tỉnh. Hiện, mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo 3 mức tương ứng với 3 nhóm đối tượng, trong đó 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với tất cả các đối tượng còn lại. Vì vậy, để bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, BHXH tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh xem xét thêm các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đối với lĩnh vực tham gia BHXH tự nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi phải bảo đảm trợ cấp hưu trí xã hội cho người dân không có lương hưu.

Để thu hút người dân tham gia BHXH, thời gian tới BHXH tỉnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền sao cho hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, ưu tiên tiếp cận đối với những lao động tiềm năng như người làm việc theo thời vụ, người kinh doanh nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH giao chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng cho từng tổ chức dịch vụ thu cũng như rà soát, thống kê, phân loại theo tính chất công việc, điều kiện kinh tế gia đình để tập trung tuyên truyền, vận động các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi sự đóng góp, chung tay của các ngành, cấp, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong việc tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân hoàn cảnh khó khan nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ BHXH toàn dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh