Dự án công trình cầu Kim Long đang chậm tiến độ so với kế hoạch |
Ông Hưng nói không sai. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công không chỉ có tỉnh Quảng Trị chậm mà tỉnh nào cũng chậm. Các cơ quan Trung ương được phân bổ vốn cũng chậm. Nghĩa là cả nước cùng chậm về vấn đề này.
Cũng xin được nói rằng: chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải chậm chỉ năm nay mà là “chậm kinh niên”. Không biết bao nhiêu cuộc họp từ Trung ương đến địa phương để mổ xẻ nguyên nhân, vướng mắc. Nhiều giải pháp thúc đẩy đã được đưa ra nhưng chậm vẫn cứ hoàn chậm. Điều này cho thấy, tìm nguồn cho vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư công, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, giám sát việc chi tiêu vốn đầu tư công… là một câu chuyện phức tạp chứ không hề đơn giản.
Nêu vấn đề để thấy, nói như ông Hưng thì Quảng Trị đã có tội với dân rồi! Không những chỉ Quảng Trị mà nhiều tỉnh, thành khác, nhiều bộ, ban ngành Trung ương… cũng có tội với dân. Một thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vốn vay với số tiền 5.565 tỷ đồng. Nguyên nhân là chưa hoàn thành thủ tục đầu tư dự án, kể cả các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Thế thì ở đây là “có tội” hay không “có tội”?
Để giải ngân cho được vốn đầu tư công đúng luật đòi hỏi cả một bộ máy khổng lồ của Nhà nước vận hành đều đặn, trơn tru. Bộ máy này chắc chắn là những người có vai trò, vị trí quan trọng, có sức ảnh hưởng đến việc điều hành và chi tiêu công; có trách nhiệm cao trong việc thực thi công vụ (cụ thể ở đây là chi tiêu tài chính để sinh ra những công trình, những chương trình và những điều kiện hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển đất nước, địa phương)... giờ chỉ nói “khơi khơi”: chi tiêu không được là có tội với Nhân dân, suy cho cùng cũng là một sự “đao to búa lớn” chứ chẳng có mấy ý nghĩa. Chúng ta thử tìm một cách nghĩ lô-gíc: chậm giải ngân vốn đầu tư công là có tội với Nhân dân (theo cách nghĩ của ông Hưng). Giờ việc giải ngân đã chậm rồi, thậm chí là kiến nghị trả lại vốn, tức là đã có tội với dân. Đã có tội thì phải xử lý “tội” như thế nào chứ không thể để hết năm này sang năm khác được.
Như trên đã nói, có lẽ đầu tư công là vấn đề phức tạp. Mà nó phức tạp là đúng rồi, nhiều công trình, nhiều dự án có quy mô quá lớn đòi hỏi xử lý quá nhiều vấn đề. Giải pháp lâu bền là phải tìm ra một phương pháp để giải quyết sự phức tạp đó. Nếu nó vướng ở thể chế thì phải tìm ra giải pháp để giải quyết thuận lợi về thể chế. Nếu nó vướng ở thủ tục thì phải tìm ra cơ chế để giải quyết thủ tục… Thậm chí nếu nó vướng về năng lực của bộ máy thì phải tìm giải pháp để cải thiện năng lực của bộ máy.
Trước đây việc quản lý “tương đối dễ” thì việc giải ngân nhanh nhưng lại gây thất thoát. Giờ quản lý chặt thì sinh ra “ách tắc”. Kiểu gì cũng khó cho việc chi tiêu ngân sách. Nghĩa là nó ảnh hưởng đến sức tác động của chi tiêu ngân sách đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Năm nay thì “rõ ràng có tội với dân rồi”! Chúng ta chờ xem thử sang năm và những năm tiếp theo, bộ máy điều hành ngân sách nhà nước còn “có tội với Nhân dân” nữa không?