Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu chủ trì, điều hành phiên thảo luận tại tổ 4. Ảnh: quochoi.vn |
Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên Huế.
Kết cấu dự kiến của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Dự án luật mang nhiều kỳ vọng rất lớn, thể hiện mong muốn thay đổi cơ bản, toàn diện về tổ chức hoạt động của hệ thống Toà án hiện tại.
Ngoài những nội dung trên, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; bảo vệ Tòa án; điều kiện bảo đảm; tòa án điện tử; hợp tác quốc tế; chế độ khen thưởng, kỷ luật; điều khoản thi hành;…
Thảo luận ở tổ, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và báo cáo làm rõ các nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục.
Tham gia góp ý, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần xem xét lại một số thuật ngữ trong nội dung dự thảo. Đó là 2 thuật ngữ cần cần xem xét, đó là Tthực hiện quyền tư pháp của tòa án Nhân dân (TAND)” và “thực thi quyền tư pháp của TAND” để tạo ra tính đồng bộ.
Về tổ chức thẩm quyền thành lập các TAND, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị phân tích giải thích kỹ, nếu không sẽ gây mâu thuẫn, tạo ra xung đột. Đồng thời, cần làm rõ và khu biệt kỹ lưỡng về nhiệm vụ quyền hạn của tòa án trong thu thập tài liệu, chứng cứ.
Liên quan đến Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán Quốc gia, ở nội dung cơ quan giúp việc của hội đồng, bà Sửu nêu quan điểm cần xác định rõ là chuyên trách hay kiêm nhiệm để đảm bảo nguyên tắc không tăng thêm biên chế.
Đối với nhiệm vụ quyền hạn của tòa án, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, nhiều nội dung trong điều luật quy định quyền hạn chung trùng với quyền hạn cụ thể của tòa án, do vậy cần xem xét lại. Ngoài ra, ở các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, đại biểu đề nghị cần làm rõ đặc trưng, sự khác nhau giũa tòa chuyên trách với TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Ngoài những nội dung trên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu còn góp ý một số nội dung liên quan đến tòa quân sự, quy định ở điều 64 đến 73; rà soát, bổ sung một số nội dung vào điều khoản thi hành; phối hợp nghiên cứu về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức…
* Chiều nay (10/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.