Giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch phường Phường Đúc sáng 10/11 |
Bổ sung 250 tỷ đồng vốn vay giải quyết việc làm
Ngày 2/11/2023, Chính phủ ban hành NQ số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH theo NQ số 11/NQ-CP., nêu rõ: Điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH tối đa 15.500 tỷ đồng để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo NQ số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và NQ số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai NQ số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.
Sau khi NQ này ban hành, ngày 9/11, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã được phân bổ nguồn vốn 250 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay vốn GQVL trên địa bàn theo tinh thần NQ 11.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường Thủy Biều, thành phố Huế là một trong những hộ đầu tiên được giải ngân vốn vay GQVL ngay sau khi nguồn vốn này được phân bổ. Theo bà Hạnh, do làm nghề dịch vụ ăn uống nên bà phải đầu tư nhất định từ không gian quán sá đến chất lượng dịch vụ; tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn chưa đầu tư đồng bộ được. Khi nghe thông tin sẽ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), bà đã chủ động liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thủy Biều để hỏi thủ tục vay vốn. Được sự hướng dẫn tận tình của tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như của hội, cán bộ NHCSXH, sáng 10/11, bà đã được giải ngân 100 triệu đồng từ chương trình GQVL. Có nguồn vốn, tôi sẽ đầu tư thêm một số hạ tầng thiết yếu, thiết kế thêm các điểm check in cho khách hàng khi đến quán. Hi vọng hoạt động kinh doanh nhờ đó sẽ phát triển hơn, bà Hạnh cho biết.
Không riêng bà Hạnh, trong ngày 10/11 tại phường Thủy Biều, hơn 50 hộ khác cũng được giải ngân vốn vay từ nguồn vốn bổ sung này.
Bà Đào Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều cho biết, sau khi có thông báo vốn bổ sung của NHCSXH, chúng tôi đã thông báo đến toàn thể hội viên qua nhóm zalo của hội, cũng như gọi điện thông báo, hướng dẫn đến từng tổ. Các hộ có nhu cầu vay vốn được tổng hợp, rà soát, bình xét đảm bảo đúng đối tượng, đánh giá phương án sử dụng nguồn vốn vay để tham mưu chính quyền địa phương phê duyệt. Đợt này, 40/1.000 hội viên được vay vốn từ nguồn GQVL với mức vay bình quân trên 60 triệu đồng/hộ với tổng số tiền giải ngân 2,8 tỷ đồng. Sau đợt này, nguồn vốn nhận ủy thác từ NHCSXH của hội nâng lên gần 17 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn, hỗ trợ tư vấn họ trong thực hiện thủ tục vay vốn để có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển SXKD một cách thuận lợi nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh kiểm tra hoạt động giải ngân vốn tại các điểm giao dịch |
Tăng cường giám sát hoạt động ủy thác
Số liệu thống kê từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho thấy, chỉ tính riêng ngày 10/11, các phòng giao dịch trên địa bàn đã thực hiện giải ngân 13 tỷ đồng từ nguồn vốn bổ sung theo NQ số 181 của Chính phủ. Trong đó, thành phố Huế giải ngân 3,7 tỷ đồng; huyện Phú Vang 4 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, nguồn vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những nguồn vốn mà cầu luôn vượt cung. Theo kết quả khảo sát, năm 2023, nhu cầu vay vốn GQVL làm theo NQ 11/NQ-CP trên toàn tỉnh là 533 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn có thể cân đối để thực hiện trong năm 2023 là 217 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 50 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 22 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi nợ để cho vay quay vòng 145 tỷ đồng. Như vậy, trên địa bàn vẫn còn thiếu 316 tỷ đồng mới đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay của người dân.
Việc bổ sung nguồn vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo NQ 181 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với nguồn vốn bổ sung 250 tỷ đồng đợt này sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho gần 4.000 lao động trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho người lao động và các cơ sở SXKD mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện tốt việc giải ngân vốn vay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND cấp xã trong thực hiện rà soát đối tượng thụ hưởng, bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mức vay phù hợp với phương án sử dụng vốn vay. Trước khi họp bình xét, các hội cũng phối hợp trưởng thôn, ban quản lý tổ xác định thông tin về người vay, thành viên trong gia đình, đánh giá phương án sử dụng vốn vay; đối với khoản vay lớn, kiểm tra tư liệu sản xuất, khả năng thực hiện phương án; chỉ đạo ban quản lý tổ thông báo cụ thể nội dung bình xét cho vay, thời gian, địa điểm tổ chức họp, đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ thành phần theo quy định.
Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ trong toàn hệ thống, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan.