Chiều 10/11 đã diễn ra buổi thảo luận tại tổ liên quan đến hai dự thảo Luật nói trên. Tổ 4 gồm các Đoàn ĐBQH: Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới,…

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô có nhiều điểm nhấn. Bà Sửu đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật liên quan đến công nghiệp văn hóa Thủ đô, song, nữ đại biểu cho rằng, về mặt hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng của Trung tâm văn hóa Thủ đô vẫn không rõ về quy mô, số lượng. Bà Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị cần tạo điều kiện chính sách, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển toàn diện Trung tâm công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ giữa thuật ngữ Trung tâm công nghiệp văn hóa với Khu thúc đẩy thương mại văn hóa để tránh nhầm lẫn.

Liên quan đến việc phát huy di tích ở Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, số lượng di tích tại Thủ đô đứng đầu cả nước với gần 6.000 di tích, nên cần có chính sách và cơ chế quản lý, phân tầng, phân lộ trình cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị.

Đối với chính sách an sinh xã hội, bà Nguyễn Thị Sửu mong muốn, dự thảo Luật bổ sung nội dung hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang làm nghề phi nông nghiệp; ấn định khung hỗ trợ tối thiểu và tối đa đối với đối tượng nghèo.

 Đại biểu Phạm Như Hiệp băn khoăn về thời gian lưu trữ hồ sơ

Trên lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Như Hiệp, đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, nội dung ở Điều 27 về phát triển y tế Thủ đô, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân quy định khá đầy đủ, tuy nhiên nên có một Điều riêng quy định về sự phối hợp giữa y tế Thủ đô Hà Nội với hệ thống y tế quốc gia;  mối quan hệ giữa các bệnh viện trong hệ thống y tế của Thủ đô Hà Nội và các bệnh viện trong hệ thống y tế của Bộ Y tế.

Đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, đáng lưu ý có chính sách quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo đó, có 4 hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo Luật quy định rõ các hoạt động dịch vụ lưu trữ; nguyên tắc, yêu cầu hoạt động dịch vụ lưu trữ; đối tượng kinh doanh và cung cấp hoạt động dịch vụ lưu trữ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ cho cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Các quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ và tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tránh nguy cơ mất tài liệu, mất dữ liệu, lộ lọt thông tin, dữ liệu không được sao lưu. Đồng thời, việc quy định về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm bảo đảm yêu cầu về năng lực, thái độ của cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Góp ý dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Như Hiệp quan tâm đến thời gian lưu trữ hồ sơ tại bệnh viện. Ông Hiệp cho biết, đối với hồ sơ bình thường lưu trữ 10 năm còn hồ sơ tử vong lưu trữ vĩnh viễn, song thời gian như vậy sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện. Bởi vì, hiện đã có hồ sơ điện tử, song vẫn còn số lượng lớn hồ sơ cũ là giấy, đại biểu đề nghị, nên chăng có sự điều chỉnh, hồ sơ bệnh án không liên quan đến chuyên môn, pháp lý nên rút ngắn đến thời gian lưu trữ.

LT