Đầu tư xây dựng kè biển ở Vinh Giang (Phú Lộc) |
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ năm 2009, đặc biệt mùa mưa bão năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương đã được đầu tư xây dựng một số công trình kè ứng phó sạt lở, ổn định bờ biển. Tuy nhiên, qua mỗi mùa thiên tai, tình hình sạt lở lại tiếp diễn ở những khu vực mới, ở những điểm đầu múi kè chưa được đầu tư xây dựng.
Những năm qua, tại bờ biển các thôn Hải Thế, Hải Phú, Hải Nhuận, Hải Thành, Hải Đông (Phong Hải, Phong Điền), sạt lở đã tiếp diễn trên 1km, ăn sâu vào đất liền từ 3-5m, có nơi chỉ cách nhà dân từ 10-15m. Sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ dân cùng nhiều diện tích rừng dương, đất sản xuất của người dân. Trong đó, nặng nhất là tại khu vực thôn Hải Thành, biển xâm thực mạnh vào đất liền, có nơi cách nhà dân chỉ hơn 10m, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp hơn 60 hộ dân ở khu vực này.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hàng năm địa phương đều ghi nhận tình trạng sạt lở biển ở các thôn ven bờ ngày một nặng thêm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư. Trước mắt, xã đã huy động lực lượng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm gia cố, khắc phục và hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển do mưa bão. Cử cán bộ trực tiếp nắm tình hình, nắm thông tin thời tiết nhằm chủ động ứng phó các tình huống xấu xảy ra. Về lâu dài, UBND huyện Phong Điền đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương cấp kinh phí làm kè chống sạt lở bờ biển, đồng thời có kế hoạch di dời người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng liên tiếp của không khí lạnh tăng cường, bão số 4, tiếp tục bão số 5, mưa lũ cùng với sóng cao, triều cường từ tháng 10/2023 đã làm bờ biển tại các khu vực đã sạt lở trước đây tiếp tục sạt lở nặng thêm trên tổng chiều dài hơn 9km toàn tỉnh.
Trong đó, tập trung nặng nhất ở Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền) với chiều dài 1,5km; Hải Dương (TP. Huế) 0,6km, ăn sâu vào bờ từ 3-5m và đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông đi lên phía Bắc với chiều dài 150m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m. Đặc biệt, sạt lở nặng bờ biển khu vực xã Giang Hải tiếp giáp Vinh Hiền (Phú Lộc) với chiều dài khoảng 1km, mở lạch cửa biển mới với chiều dài 60m, ảnh hưởng 70ha nuôi trồng thủy sản, 100ha trồng lúa và hoa màu.
Sạt lở bờ biển toàn tỉnh đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn và có nguy cơ mở cửa biển mới. Ngoài ra sạt lở còn nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng và hệ sinh thái của 22.000ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các dự án chống sạt lở bờ biển, ổn định cửa biển, với chiều dài khoảng 7km với kinh phí xây dựng khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài các đoạn đã được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, công trình ổn định cửa biển, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 9km bờ biển (trên tổng chiều dài 128km) đang bị xâm thực, sạt lở, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình ứng phó sạt lở, ổn định cửa biển khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, mới đây Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có tờ trình Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiên tai, sạt lở. Theo đó, đã đề xuất hỗ trợ 200 tỷ đồng cho Thừa Thiên Huế khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển và 50 tỷ đồng để di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.
Ngoài ra, các địa phương cũng triển khai các giải pháp như tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển. Yêu cầu điều tiết vận hành hợp lý các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn các sông và ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các sông và ven biển.