Sản phẩm của Mộc An - Dự án đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế 2023. Ảnh: Tư liệu

Đó là chia sẻ tâm huyết của ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp 3AI với các doanh nhân và nhà khởi nghiệp trẻ Cố đô tham gia khóa đào tạo Tư duy thiết kế kinh doanh (Business Design Thinking) vào đầu tháng 10/2023. Đây là sự kiện do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng OBC (Cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ Huế) tổ chức. Trong chuyến công tác tại Huế lần này, ông còn có vai trò là Giám khảo khách mời Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế năm 2023.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn là chuyên gia tư vấn, đào tạo và phát triển doanh nghiệp có thâm niên 32 năm trong nghề. Trước khi trở thành Phó Viện trưởng của 3AI, ông là Giám đốc vùng TP. Hồ Chí Minh và Giám đốc Đào tạo của BNI Việt Nam. Ông tham gia vào nhiều dự án quốc gia, quốc tế, như Dự án Nâng cao năng lực doanh nghiệp, Unido (Liên hiệp quốc), Dự án “Hệ thống Thông tin Quản lý/MIS” của MPDF, IFC, World Bank, Dự án “Xây dựng thương hiệu nông sản” của Bộ Công Thương… và là Giám đốc, Cố vấn Chương trình Startup SBC HEC Montreal (Canada).

Là một học viên tham gia khóa học, điều tôi cảm nhận sâu sắc là Thạc sĩ Trần Anh Tuấn đã mang đến khóa đào tạo một đề tài khá mới mẻ cho các doanh nghiệp trẻ: “Tư duy thiết kế trong kinh doanh”. Tư duy thiết kế kinh doanh (Business Design Thinking) là một môn học khá trừu tượng, lấy con người làm trung tâm và nhu cầu con người làm cốt lõi để giải quyết các vấn đề của khách hàng một sáng tạo hơn với sự hiểu biết chung lớn hơn.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn chia sẻ, tư duy thiết kế kinh doanh gồm 5 nguyên tắc cơ bản: lấy con người làm trung tâm, tư duy bằng hình ảnh và kể chuyện, hợp tác và đồng sáng tạo, phát triển thông qua quá trình lặp lại chủ động và duy trì quan điểm toàn diện. Đối với ông, thấu cảm những vấn đề của khách hàng đóng vai trò then chốt chứ không phải những tính năng ưu việt, nhưng không thực sự cần thiết của sản phẩm. Ông khẳng định, các doanh nghiệp phải “yêu vấn đề của khách hàng” chứ không phải “yêu sản phẩm của mình”, đây là một nút thắt mà các “nhà phát minh” đang gặp phải.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai mở những tư duy mới, tái tạo tính sáng tạo, cố gắng không lặp lại những lối mòn trong hành động và suy nghĩ. Ông đề cao tính đột phá, thay đổi cục diện kinh tế, xã hội của ChatGPT và AI trong thời đại 4.0, khi trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hầu hết các công việc của con người như viết lách, vẽ, thiết kế, làm KO… ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi khó, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và khảo sát với số lượng lớn khách hàng, lên kịch bản video quảng cáo hay thậm chí viết sách về kinh doanh…

Tương tác với các học viên khóa đào tạo, Thạc sĩ Trần Anh Tuấn yêu cầu các chủ doanh nghiệp lật ngược lại quá trình kinh doanh truyền thống. Nếu trước đây, các nhà khởi nghiệp tạo ra sản phẩm, rồi khảo sát thị trường, tìm kiếm khách hàng,… thì bây giờ bước đầu tiên là tìm ra “nỗi đau của thị trường” và tạo ra giải pháp hay sản phẩm giải quyết các vấn đề đó. Ông thực hành ChatGPT ngay tại lớp học để giúp các học viên đặt câu hỏi mở, qua đó tìm kiếm các vấn đề ngách của thị trường, các nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng (nhu cầu mà khách hàng chưa nhận ra).

Thục Đan