Một áp phích chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 tại thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng và quan chức sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động của APEC trên nhiều lĩnh vực chính sách trong năm nay, bao gồm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng sạch và khí hậu, y tế, bình đẳng giới và bình đẳng, cũng như chống tham nhũng và an ninh lương thực.

Được định hướng bởi 3 ưu tiên là kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm, các quan chức cấp cao đang bắt đầu các cuộc thảo luận kéo dài một tuần theo 3 trụ cột, bao gồm: Trụ cột Thái Bình Dương kỹ thuật số nhằm mở rộng tiếp cận với kết nối kỹ thuật số; trụ cột bền vững để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và bao trùm; và trụ cột tăng trưởng bao trùm và tự cường nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các nền kinh tế và cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

“Việc đăng cai APEC năm nay mang đến cho Mỹ cơ hội để định hình các chính sách thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một khu vực châu Á - Thái Bình Dương sôi động, nơi chiếm gần 40% dân số thế giới, gần một nửa thương mại toàn cầu, và hơn 60% nền kinh tế toàn cầu”, ông Matt Murray, quan chức cấp cao Mỹ phụ trách APEC cho biết.

 Đáng chú ý, 7 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là các thành viên APEC. Các doanh nghiệp từ những nền kinh tế thành viên APEC đã đầu tư hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào Mỹ, và những khoản đầu tư này sử dụng 2,3 triệu lao động Mỹ.

 “Sự tham gia thương mại và đầu tư này nhấn mạnh vai trò chiến lược của APEC trong quan hệ đối tác kinh tế của chúng tôi, bởi diễn đàn này tiếp tục là nền tảng hàng đầu để thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại, thúc đẩy những ý tưởng đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”, ông Matt Murray nói thêm.

LÊ THẢO (Lược dịch từ APEC)