Hệ thống y tế ở Gaza đang đối mặt với khó khăn vì tình hình xung đột. Ảnh minh hoạ: AFP/Tuổi trẻ Online

Theo đó, vào ngày 11/11, WHO đã mất liên lạc với bệnh viện Al-Shifa và Bộ Y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát thông tin rằng các hoạt động tại khu phức hợp bệnh viện Al-Shifa đã bị đình chỉ sau khi hết nhiên liệu.

Trước đó, quân đội Israel cho biết họ sẵn sàng sơ tán trẻ em ra khỏi bệnh viện lớn nhất Gaza vào ngày 12/11, song các quan chức Palestine thông tin rằng vẫn còn nhiều người đang mắc kẹt ở bệnh viện, với 2 trẻ sơ sinh đã tử vong và hàng chục trẻ đối diện với nguy cơ mạng sống bị đe doạ trong bối cảnh giao tranh dữ dội gần đó.

Al-Shifa và các bệnh viện khác ở phía Bắc Gaza hầu như không thể chăm sóc cho bệnh nhân do thiếu nhiên liệu. Tình trạng này xảy ra khi ngày càng có nhiều người bị thương do xung đột ở Gaza gây ra.

Ngày 12/11, Hamas đã phủ nhận việc họ từ chối 300l nhiên liệu từ Israel để dành cho mục đích y tế tại bệnh viện Al-Shifa.

Một diễn biến khác có liên quan cho biết, theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, các nhân viên y tế tại một bệnh viện khác ở phía Bắc Gaza chỉ ra rằng, bệnh viện Al-Quds đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân với rất ít thuốc men, thực phẩm và nước uống.

Tình hình nghiêm trọng đến mức được Phát ngôn viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Tommaso Della Longa mô tả: “Bệnh viện Al-Quds đã bị cắt khỏi thế giới trong 6-7 ngày qua. Không có đường vào, mà cũng không có đường ra”.

Cũng tương tự đối với bệnh viện Al-Shifa, một bác sĩ nhận định rằng bệnh viện đang “nằm ngoài tầm với” của những người mới bị thương. Theo đó, bệnh viện Al-Shifa hiện đã không hoạt động, không ai được phép vào và cũng không ai được phép ra ngoài. Nếu có người bị thương quanh khu vực Gaza, khả năng được vận chuyển bằng xe cấp cứu đến bệnh viện Al-Shifa là không thể. Vì vậy, bệnh viện hiện đã ngừng hoạt động dịch vụ.

Dành nhiều quan tâm cho tình hình tại đây, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đã nhận được một cuộc điện đàm từ Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về diễn biến. Trong cuộc gọi, Tiểu vương Al-Thani nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và mở cửa vĩnh viễn cửa khẩu Rafah vào Ai Cập.

Bốn nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, với tình hình nhân đạo trên khắp Gaza đang ngày càng nghiêm trọng, 80 người nước ngoài và một số người Palestine bị thương đã vượt biên sang Ai Cập trong chuyến sơ tán đầu tiên kể từ ngày 10/11, 18 người trong số đó là người dân Ba Lan.

Trong các cuộc đụng độ, 11.078 cư dân Gaza đã thiệt mạng, khoảng 40% trong số đó là trẻ em.

Dịch bệnh hiện đang lây lan khi những người sơ tán chen chúc trong các trường học và những khu trú ẩn khác. Họ đang nỗ lực “duy trì sự sống của bản thân” với một lượng nhỏ thức ăn và nước uống.

Là một trong những nỗ lực triển khai hỗ trợ nhân đạo, một số quốc gia đã chuyển sang cung cấp hàng viện trợ bằng dù, với Jordan đã thả lô hàng thứ hai vào bệnh viện dã chiến vào sáng sớm ngày 12/11 vừa qua.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)