Nhiều năm rồi, cứ thấy trên MXH khi thì nhân vật này, lúc lại nhân vật khác đột nhiên lại làm kinh động “cõi mạng” bằng đủ chiêu trò mang tính cổ vũ, kích động những hành động vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực như đập phá, thiêu hủy tài sản, truyền “cảm hứng” về những hành vi tiêu cực cho giới trẻ; đua xe, quậy phá nơi công cộng; chửi bới, bôi nhọ, xúc phạm người khác… Đình đám và mới đây nhất là vụ “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh dù chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng đồng phạm thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác nguy hiểm, phản cảm trên tuyến đường công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Ngọc Trinh còn cho quay, đăng tải các đoạn video lên tài khoản mạng xã hội của mình gây xôn xao dư luận…
Ngọc Trinh cùng đồng phạm "biểu diễn" trên mô tô phân khối lớn |
Câu hỏi đặt ra là tại sao bọn họ lại làm những việc … “rỗi hơi” như vậy? Để rồi rước hậu quả là phải đối diện với pháp luật, bị công luận lên án như Khá “bảnh” trước đây, và Ngọc Trinh vừa rồi. Phải đến khi tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ, hóa ra các đối tượng không phải “điện chi” mà làm, họ làm là “có lợi, có danh” cả. Có “danh” là được một bộ phận thanh thiếu niên tăng động tung hô, cổ vũ, tài khoản được like, được share ầm ầm, cũng đồng nghĩa là được nhận tiền từ nhà mạng mà như Khá “bảnh” từng khoe là mỗi tháng y thu nhập gần nửa tỷ bạc từ MXH. Bản thân chúng tôi thoạt nghe cứ tưởng là “nổ”, nhưng hóa ra Khá nói thật, bởi như báo chí qua làm việc với giới “kiếm tiền online” đã tiết lộ, với lượng người theo dõi và lượt xem lớn, số tiền mà YouTube trả cho Khá có thể vào khoảng 15.300 USD - 244.700 USD, tương đương với khoảng 350 triệu – gần 6 tỷ đồng mỗi tháng. Hèn gì mà bọn họ không “say sưa”, không táo tợn như thế!
Và "cái kết" cần phải có. |
Và, trong lúc những người như Khá "bảnh", như Ngọc Trinh và đồng phạm vừa được tung hô, vừa được thu tiền đầy túi, thì một bộ phận người không nhỏ trong xã hội, mà đa phần là lớp trẻ vẫn cứ vô tư mà reo hò, mà còm, mà like-share tưng bừng. Nguy hại hơn, không ít bạn còn học đòi làm theo, gây ra bao bất ổn không chỉ trên “cõi mạng” mà cả cho ngoài xã hội! Hậu quả là nhiều bạn, nhóm bạn trẻ học đòi như thế đã gây, bị tai nạn do tụ tập “biểu diễn”, đua xe; nhiều nhóm bị cơ quan chức năng truy bắt, xử lý…
Ngẫm nghĩ, thấy sự tò mò, hiếu kỳ là “đặc tính” tự nhiên của nhiều người. Thế cho nên hễ thấy lạ, thấy “vui vui” là cứ tụ tập lại xem, rồi bình, rồi reo, rồi sang tai truyền bá… Ngoài đời thực cũng thế mà trên MXH cũng vậy. Thế là lợi dụng vào cái “đặc tính” ấy, các đối tượng như Khá bảnh, Ngọc Trinh mới có đất dụng võ. Khá bảnh, Ngọc Trinh cùng một số đối tượng nữa đã và sẽ bị xử lý. Song, những người hiếu kỳ tụ tập cổ vũ, tung hô thì sẽ thế nào? Rõ ràng, nếu không có tầng lớp “khán giả” như vậy, thì hẳn các đối tượng làm sao có cảm hứng tung chiêu?!
Clip đôi nam nữ học đòi Ngọc Trinh "biểu diễn" trên nóc hầm Thủ Thiêm xuất hiện hôm 5/11 |
Ở góc độ pháp luật, đơn cử như hành vi cổ vũ đua xe trái phép, Điều 34, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép”. Vậy thì tung hô, like- share trên mạng đối với việc làm vi phạm của các đối tượng như vừa kể có được xem là hành vi “tụ tập, cổ vũ” không? Theo chúng tôi nó chẳng khác gì nhau cả. Thậm chí, mức độ nguy hại còn lớn hơn bởi tính chất lan tỏa của không gian mạng là “không biên giới” và cực kỳ nhanh chóng. Cho nên, thiển nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành (nếu còn thiếu) các quy định chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi này.
Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh đó, rất cần sự chung tay của mỗi gia đình, nhà trường cùng hệ thống cơ quan truyền thông báo chí... trong việc tuyên truyền giáo dục nhằm tăng cường nhận thức cho giới trẻ nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Cần chung tay để triệt tiêu “nguồn cảm hứng”, không để cho những hành vi kỳ dị, lệch chuẩn như của những Khá "bảnh", Ngọc Trinh và các đối tượng “đồng dạng” có đất sống để nhiễu nhương, gây bất ổn cho cộng đồng xã hội.
(Ảnh internet & trích xuất từ video clip)