Người dân đi bộ trên một con đường ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN |
Cụ thể, quốc gia châu Âu này đã nắm giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số trong 10 năm liên tiếp, nhờ “mức độ bảo vệ xã hội cao” và chất lượng môi trường tự nhiên.
Tương tự, Singapore cũng giữ vững vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, nhờ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiếp theo đó là Mỹ, quốc gia này đã tăng lên vị trí thứ 3, sau khi đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng hồi năm ngoái.
Được biết, Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) là một báo cáo thường niên đo lường cách 134 quốc gia trên thế giới thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài. Trong thập kỷ qua, 10 quốc gia dẫn đầu vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định, trong đó Thụy Sĩ và Singapore liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng, với tư cách là “những quốc gia dẫn đầu rõ ràng”.
“Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã nhận thấy mối liên hệ chắc chắn giữa sự giàu có của một quốc gia và năng lực cạnh tranh nhân tài của quốc gia đó; trong đó, các nền kinh tế giàu có hơn tiếp tục vượt trội so với những nền kinh tế nghèo hơn”, báo cáo nhận định.
Ngoài ra, các quốc gia châu Âu khác cũng ghi nhận thành tích tốt trong bảng xếp hạng chỉ số của INSEAD; với Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan và Na Uy lần lượt đứng ở vị trí thứ 4, thứ 5, thứ 6 và thứ 7.
Bên cạnh đó, những vị trí xếp hạng đáng chú ý khác, bao gồm Australia, đứng ở vị trí thứ 8; và Vương quốc Anh ở vị trí thứ 10. Trung Quốc đã tăng bậc trong bảng xếp hạng từ vị trí thứ 47 lên vị trí thứ 40.
Ấn Độ, quốc gia được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, đứng ở vị trí thứ 103 trong bảng xếp hạng nói trên. INSEAD cho rằng, điều này là do “sự suy yếu trong tâm lý kinh doanh”, làm giảm khả năng thu hút nhân tài từ cả nước ngoài lẫn trong nước.
Cũng theo báo cáo nói trên, chất lượng cuộc sống và tính bền vững sẽ là “tài sản quan trọng” đối với các quốc gia đang nỗ lực trở thành những trung tâm nhân tài. Ngoài ra, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều ngành khác nhau có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về nhân tài. “Lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp sẽ phải gánh chịu thêm nhiều áp lực; trong khi các nhóm lao động mới, một số có kỹ năng cao hơn, sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các thuật toán và thiết bị chuyên dụng”, báo cáo cho hay.