Các tấm pano năng lượng mặt trời được lắp đặt tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. Ảnh: Ioom Solar |
Theo bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), công suất lắp đặt năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân và thủy điện của Trung Quốc trong năm nay sẽ tạo ra lượng điện đủ để cung cấp năng lượng cho một khu vực rộng lớn tương đương với cả nước Pháp. Lượng điện đó sẽ là quá đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng mới ở Trung Quốc, giúp quốc gia này ít phụ thuộc hơn vào than đá và giảm lượng khí thải phát ra từ đó.
Bà Myllyvirta cho biết, việc giảm khí thải chỉ trong một năm hay sẽ tiếp tục kéo dài đà giảm phụ thuộc vào khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì mức độ triển khai năng lượng sạch như năm nay, trước những hạn chế về lưới điện. Nếu mức giảm kéo dài có nghĩa là lượng khí thải của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm nay - 7 năm trước mục tiêu bắt đầu giảm phát thải vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris.
“Nếu lợi ích từ than không ngăn cản được việc mở rộng công suất điện gió và điện mặt trời của Trung Quốc, thì tăng trưởng năng lượng carbon thấp (năng lượng sạch) sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng sau năm 2024… Điều này sẽ đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch - và cả lượng khí thải đi kèm - vào thời kỳ suy giảm cơ cấu kéo dài”, bà Myllyvirta nêu rõ.
Khuyến khích năng lượng sạch
Ngay cả khi Trung Quốc triển khai lượng năng lượng sạch cao kỷ lục, nước này cũng đang xây dựng các nhà máy điện than mới. CREA cho biết lượng khí thải của nước này trong quý III đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm mà các chính sách nghiêm ngặt về Zero-COVID đang hạn chế việc đi lại và các hoạt động kinh tế trong nước.
Theo báo cáo, mặc dù các công ty khai thác than từ lâu đã có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, nhưng các lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch đang phát triển của nước này sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều động lực hơn để tiếp tục triển khai năng lượng tái tạo.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Dubai vào cuối tháng 11 tới đây sẽ đặt ra thử thách tiếp theo về mức độ sẵn sàng của Trung Quốc trong việc thực hiện quá trình khử carbon nhanh hơn cho nền kinh tế của đất nước. Theo bà Myllyvirta, việc đầu tư “chưa từng thấy” của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ carbon thấp có nghĩa là trên thực tế, Bắc Kinh đã đặt cược lớn về kinh tế và tài chính vào sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, điều này có thể sẽ có ảnh hưởng đến vị thế ngoại giao của nước này.