Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kết luận cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2022 và 2023, Thừa Thiên Huế được Trung ương phân bổ 485,054 tỉ đồng thực hiện các hoạt động (7 dự án) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV; trong đó, năm 2022 là 189,266 tỉ đồng, năm 2023 là 296,088 tỉ đồng.

Đối với nguồn vốn năm 2022, tính đến ngày 31/12/2022 đã giải ngân được 51,473 tỉ đồng, đạt 27,2%. Năm 2023, với vốn ngân sách Trung ương, tính đến ngày 31/10/2023 giải ngân đạt  tỷ lệ 35,7%; vốn sự nghiệp giải ngân đạt 29,5%; vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 75,1%. Liên quan đến chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023, theo kết quả báo cáo của các địa phương số hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 của các địa phương đều đạt, vượt chỉ tiêu được tỉnh giao.

Một số khó khăn cũng được nêu tại cuộc họp, đó là một số địa phương vẫn chưa mở được lớp đào tạo vì đối tượng tuyển sinh ngoài lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn có người lao động có thu nhập thấp, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐTB&XH về tiêu chí xác định như thế nào là người lao động có thu nhập thấp. Một số nội dung dự án, tiểu dự án thành phần triển khai chậm tiến độ theo kế hoạch…

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, đến nay, một số văn bản hướng dẫn (thay thế văn bản cũ hoặc sửa đổi, bổ sung) của một số bộ, ngành đã được ban hành tạo thuận lợi để các sở, ngành, địa phương nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, qua theo dõi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện chương trình ở một số địa phương có mặt còn hạn chế. Công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình ở nhiều địa phương chưa kịp thời, nội dung chưa bảo đảm; có địa phương chưa lập kế hoạch thực hiện chương trình hằng năm. Thủ tục của một số quy trình thực hiện nội dung thành phần của chương trình chưa bảo đảm theo quy định; lựa chọn đối tượng hộ gia đình tham gia thụ hưởng chính sách của chương trình ở một số địa phương còn lúng túng, chưa sát với điều kiện và tình hình thực tế…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương trong công tác tổ chức thực hiện cần rà soát các văn bản liên quan, có kiểm tra, giám sát thường xuyên trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG; tạo điều kiện, hướng dẫn cho cơ sở trong từng danh mục cụ thể trong triển khai thực hiện.

Ông Bình yêu cầu ở các địa phương như A Lưới, Nam Đông được bố trí nguồn lực lớn thì phải bám cơ sở để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có báo cáo theo từng nội dung cụ thể. Qua đó, có chế độ thông tin báo cáo trên phần mềm một cách chi tiết và cụ thể hoá bằng biểu mẫu. Các cơ quan chủ quản của các chương trình mục tiêu quốc gia phải tăng cường kiểm tra cơ sở thường xuyên, để có đánh giá cụ thể trong triển khai thực hiện. Các cơ quan chủ quản các chương trình MTQG và các địa phương tiến hành đánh giá kết quả, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và xây dựng kế hoạch cho năm 2024. Các ngành phải xác định trách nhiệm theo từng nhiệm vụ của từng ngành được giao trong việc thực hiện các chương trình MTQG.

Sở LĐTB&XH và huyện A Lưới cũng cần có báo cáo về chỉ tiêu giảm nghèo và có kịch bản chi tiết, A Lưới chú ý trong việc triển khai các nguồn vốn, nguồn lực trong việc xóa nhà tạm cho người dân. Tập trung các giải pháp, nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG.

L.THỌ