Nhiều điểm lưu chứa rác thải sinh hoạt đã phân loại được triển khai trên địa bàn TP. Huế . Ảnh: Bảo Phước

Những “điểm rác”

Kiệt 27 đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông hiện nay hiện hữu các thùng rác, với nhiều loại rác sinh hoạt để vương vãi khắp nơi, gây mất mỹ quan đô thị thành phố.

Trước mặt nhà số 165 đường Nhật Lệ, phường Thuận Lộc có một đống rác thải xây dựng. Đây là rác do làm lề đường, nhưng chưa được đơn vị thi công dọn dẹp, nên đã trở thành điểm vứt rác của không ít người dân.

Tiếp đó, tại kiệt 54 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Gia Hội xuất hiện một bãi rác khổng lồ. Rác chất đống gây hôi thối, nhiều người dân sinh sống quanh đó rất bức xúc. Theo người dân, trước đây, tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt này có thùng đựng rác. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, tại đây không còn thùng rác. Do đến tận chiều tối nhân viên vệ sinh mới đến xử lý, nên gây hôi rất khó chịu.

Cuối kiệt 86 đường Thiên Thai, phường An Tây có một thùng đựng rác thải sinh hoạt, thế nhưng, người dân không để rác vào trong thùng mà vứt ngay dưới thùng. Rác tràn ra cả lề đường, với nhiều loại rác thải sinh hoạt…

Điểm qua một số điểm rác thải hiện nay trên địa bàn TP. Huế để thấy rằng, vấn đề rác thải sinh hoạt tại đô thị cũng cần phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa của ngành chức năng, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ dân phố, khu dân cư.

Xung quanh vấn đề này, nhiều người dân cho rằng, đơn vị chức năng cũng cần rà soát lại việc đặt các thùng đựng rác hiện nay đã hợp lý chưa để có sự điều chỉnh phù hợp; trong đó, có sự tính toán việc lấy rác thời điểm nào cho hợp lý, tránh tình trạng để quá lâu.

Ý kiến khác thì, hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP. Huế hiện nay dày đặc. Ngoài ra, có không ít camera của các hộ gia đình. Vì vậy, cũng cần có chế tài, xử phạt thật nặng, thật nghiêm và liên tục để dần thay đổi hành vi của người dân.

Thực tế, không phải ai cũng thiếu ý thức trong việc đổ rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết rác thải. Có rất nhiều người dân ý thức được rằng, cần phải đựng rác trong bao, bỏ vào thùng rác đúng nơi, đúng quy định. Thế nhưng, cũng có không ít người thiếu ý thức trong việc xử lý rác thải. Họ vô tư vứt rác bừa bãi, miễn rằng rác của nhà mình đã được đem ra đường. 

TP. Huế đã cho lắp đặt các thùng rác để người dân phân loại rác thải, nhưng tình trạng rác tràn ra đường, chất đống gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Xử phạt là một chuyện, nhưng không ít ý kiến, giải pháp để khắc phục vấn đề này không khó, quan trọng là ý thức của mỗi người.

Giải pháp ý thức đô thị, ý thức thị dân

Ý thức đô thị, ý thức thị dân, lòng tự trọng của mỗi người cũng là một trong những giải pháp quan trọng không để tình trạng rác thải sinh hoạt người dân để bừa bãi, nhếch nhác, mất vệ sinh xảy ra trên địa bàn TP. Huế.

Qua sơ kết 5 năm (2018 – 2023) thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải cho thấy, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tổ dân phố, làng, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao; góp phần thay đổi diện mạo của đô thị.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 9.985 đợt ra quân vệ sinh môi trường với hơn 1.629.533 lượt người tham gia. Qua đó, đã tiến hành thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác thải các loại. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo là những điển hình tiêu biểu được các cấp, các ngành trong tỉnh lựa chọn, nhân rộng.

Thế nhưng, nhận thức và hành động của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động tham gia tích cực các phong trào thi đua, hoạt động tại địa phương, đơn vị.

Sự phối hợp giữa các địa phương và cơ quan chuyên trách trong thu gom và xử lý rác thải chưa thật sự nhịp nhàng, lúng túng trong công tác phân loại rác tại nguồn; việc xây dựng các mô hình “Không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị… chưa được triển khai đồng bộ, thiếu hiệu quả.

Ý thức người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, mang tính bền vững thay thế túi ni lông còn hạn chế. Các quy chế, quy định chế tài để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, trật tự mỹ quan đô thị, nông thôn có nơi, có lúc chưa nghiêm.

Ngoài các giải pháp hiện nay, mong rằng, thời gian tới, các cấp ngành, đơn vị, địa phương không chỉ của TP. Huế mà cả tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng quy chế, chế tài để thực hiện có hiệu quả và ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm liên quan đến rác thải.

PHONG ANH