Kiểm lâm viên nhí sinh hoạt về bảo tồn động vật hoang dã |
Có diện tích hơn 15,5 nghàn ha, có hệ động - thực vật phong phú, chứa đựng nguồn gen đa dạng của hơn 1.200 loài động, thực vật, đến nay, Khu BTSL vẫn giữ được diện tích lớn rừng kín thường xanh nhiệt đới, là nơi sinh sống của nhiều loài chim, thú quý hiếm.
Khu BTSL có nhiều loài thú lớn, có giá trị bảo tồn toàn cầu mới được phát hiện trên thế giới như mang lớn, mang Trường Sơn…; đặc biệt là nơi sinh sống của sao la – một trong những loài động vật bí ẩn nhất thế giới. Sao la thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài linh dương, còn được gọi là kỳ lân châu Á. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam đã xác định, sao la là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao.
Nhiều biện pháp bảo tồn loài sao la nói riêng và ĐVHD nói chung được Khu BTSL triển khai đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Trong số nhiều biện pháp thì việc kiên trì bám rừng, tuần tra giám sát để phát hiện các hành vi vi phạm và tháo gỡ bẫy thú là các giải pháp thường xuyên. Khu BTSL tranh thủ nhiều chương trình, DA để bảo vệ, quản lý có hiệu quả các loài ĐVHD tại khu bảo tồn.
Giám đốc Khu BTSL, ông Nguyễn Thanh thông tin, từ đầu năm đến nay, các đội bảo vệ rừng của DA CarBi 2 tổ chức 86 đợt tuần tra với gần một ngàn ngày đêm, đã tháo dỡ 66 lán trại dựng trái phép trong rừng, tháo gỡ 2.670 bẫy động vật các loại. Đặc biệt, các đội bảo vệ rừng đã bắt gặp trực tiếp 508 cá thể các loài động vật như khỉ mặt đỏ, sóc đen bụng trắng, mang thường, vọoc chà vá chân nâu, tê tê, trĩ sao, chồn bạc má, heo rừng...
Từ nguồn kinh phí của DA VFBC, Khu BTSL thực hiện một đợt đặt bẫy ảnh với 38 máy, khoảng cách mỗi máy 2,5km, rải đều trên khắp khu bảo tồn để ghi nhận sự xuất hiện của sao la và các loài ĐVHD khác. Đồng thời, thực hiện một đợt đặt bẫy ảnh lưới hệ thống với 54 điểm đặt bẫy tại tiểu khu 348, 349, 351.
Khu BTSL cũng đã thực hiện một đợt thu hồi các bẫy ảnh lưới hệ thống để phân tích hình ảnh các loài ĐVHD thông qua công cụ, thiết bị hiện đại. Kết quả ghi nhận sự xuất hiện của các loài như gấu ngựa, mang thường, thỏ vằn, cầy vòi mốc, mèo rừng, heo rừng, khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân nâu, gà so ngực gụ, trĩ sao, gà sao họng trắng, nai...
Mặc dù từ khi lần đầu tiên xuất hiện đến nay, cơ quan chức năng, những người làm công tác bảo tồn ĐVHD chưa phát hiện sự xuất hiện trở lại của loài sao la, nhưng các biện pháp bảo tồn vẫn luôn kiên trì. Các lực lượng luôn có niềm tin, loài động vật quý hiếm, nguy cấp này vẫn còn tồn tại trong Khu BTSL. Do khu bảo tồn rộng lớn, trong khi số lượng cá thể sao la rất hiếm nên khó phát hiện thông qua các biện pháp bẫy ảnh, tuần tra.
Tuy nhiên, điều đáng mừng trong quá trình tìm kiếm loài sao la, Khu BTSL và các DA đã phát hiện nhiều loài ĐVHD, trong đó có nhiều loài quý hiếm còn tồn tại, sinh sống trong khu bảo tồn. Được sự hỗ trợ của các DA trong và ngoài nước, Khu BTSL đang nỗ lực bảo tồn các loài ĐVHD và tiếp tục tìm kiếm sao la.
Từ đầu năm đến nay, Khu BTSL phối hợp với DA CarBi 2 và các trường học tổ chức nhiều đợt sinh hoạt các câu lạc bộ kiểm lâm viên nhí về đánh giá nhận thức của học sinh vùng giáp ranh Khu BTSL. Qua đó, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, Nhân dân về các biện pháp bảo vệ rừng và các loài ĐVHD.
Dự án VFBC tổ chức nhiều sự kiện truyền thông cộng đồng tại thôn Khe Sòng và thôn Hộ, xã Dương Hòa (TX. Hương Thuỷ) với chủ đề “Nguy cơ vi phạm pháp luật liên quan ĐVHD” và nhiều sự kiện truyền thông tại thôn Giồng, thôn Chi Đu Nghĩa, xã Hương Nguyên; thôn A Chi, xã Hương Sơn; thôn Ka Lô, thôn Karôn - A Ho, xã A Roàng (A Lưới) với chủ đề “Giảm cầu tiêu thụ ĐVHD”.
Các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho cộng đồng về các nguy cơ vi phạm pháp luật từ các hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD; đồng thời kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Nguyễn Thanh đánh giá, thông qua các hoạt động truyền thông, học sinh, người dân vùng đệm nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của các loài ĐVHD đối với sự sống của con người. Mặc dù chưa giải quyết triệt để, như tình trạng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn A Lưới và toàn tỉnh nói chung thời gian gần đây giảm đáng kể. Các cơ quan chức năng, DA trong và ngoài nước đang tích cực, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng hướng đến chấm dứt triệt để tình trạng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, thời gian gần đây, các biện pháp bảo vệ ĐVHD được các đơn vị liên quan tổ chức có bài bản, hiệu quả thông qua sự hỗ trợ tích cực từ các DA VFBC, CarBi 2... Lực lượng kiểm lâm kết hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát tại rừng và các tụ điểm tiêu thụ ĐVHD. Qua đó, phát hiện và xử lý nhiều vụ săn bắt, tiêu thụ ĐVHD, sản phẩm ĐVHD tại các quán ăn, nhà hàng... Đồng thời, tiếp nhận, cứu hộ và thả nhiều cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loài quý hiếm về môi trường tự nhiên.