Số hóa 3D những món ăn đặc trưng xứ Huế góp phần quảng bá ẩm thực Huế |
Như Thừa Thiên Huế thông tin, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế.
Theo đại diện Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Xứng danh thương hiệu “Kinh đô Ẩm thực”, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” với các món: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.
Việc Thừa Thiên Huế được vinh danh với 6 món ẩm thực tiêu biểu trong lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu được chọn trong 421 đề cử món ẩm thực tiêu biểu từ các tỉnh, thành trong cả nước là một vinh dự cho vùng đất Cố đô. Và đây là một bước tiến mới, dù có phần chậm chạp của giấc mơ biến Huế thành “bếp ăn” của Việt Nam đã được Thừa Thiên Huế đề ra từ hơn 10 năm trước.
Cơ sở của giấc mơ này là Tổ chức Du lịch thế giới năm đó có một thống kê thú vị, rằng trung bình một khách du lịch chi khoảng 1/3 số tiền của mình cho ẩm thực. Thống kê này là cơ sở để ngành du lịch xây dựng chiến lược “biến” Việt Nam thành “bếp ăn” của thế giới. Và chắc chắn không còn ai khác ngoài Huế đủ điều kiện để trở thành “bếp ăn” của Việt Nam khi thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3.000 món ăn các loại và có đến hơn 1.700 món được nấu theo lối Huế!
Thêm nữa, trong quá khứ, Huế đã từng là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất kể từ 1802, sau khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn. Dưới thời Nguyễn, Huế cũng là Kinh đô của văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, trong đó có nghệ thuật ẩm thực để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của triều đình. Và chỉ ở Huế, ẩm thực được nâng thành nghệ thuật, thành một thương hiệu văn hóa với những triết lý đầy ý vị, sâu sắc. Nấu nướng ở Huế được nâng thành một chuẩn giá trị, một phẩm hạnh cần thiết của người phụ nữ. Đáng tiếc là cho đến thời điểm này, ẩm thực Huế là một “thương hiệu văn hóa”, nhưng chưa phải là “thương hiệu du lịch” và còn lâu lắm mới chạm tới được danh hiệu “bếp ăn” của Việt Nam vì rất nhiều lý do.
Trước hết tại Huế, khó có thể tìm thấy được nhiều quán ăn đủ tư thế phô diễn thế mạnh của mình. Một chuyên gia du lịch nhận xét, hầu hết các địa điểm kinh doanh món Huế chỉ phục vụ những món ăn đặc trưng của Huế, mà không có những hệ “món ngon Huế” được quy hoạch theo hướng quảng bá, phát triển thương hiệu ẩm thực Huế một cách hệ thống và chuyên biệt theo tính chất dòng ẩm thực chính - phụ, hệ món ăn vùng miền, hệ gia vị… Đặc biệt, chưa thực sự chú trọng đến việc đưa món ăn chay - vốn là thế mạnh của ẩm thực Huế vào du lịch. Nhiều món Huế xưa tên gọi thì còn, nhưng người biết chế biến đúng kiểu cách ngày xưa lại rất ít.
Để Huế sớm chạm được giấc mơ “bếp ăn” của Việt Nam thì có rất nhiều phần việc phải làm. Trong đó, cần kíp nhất là chiến lược xây dựng một sự khác biệt về ẩm thực Huế để cạnh tranh với tình hình ẩm thực Huế “bát nháo” đang có. Sự khác biệt đó không phải sáng tạo ra cái mới mà chính là phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản. Việc làm có tổ chức, quy tụ được những người có tâm, có tầm, có nghề, có kiến thức, có sự hỗ trợ bằng chính sách của chính quyền.
Hay nói như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ là mong muốn và đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành thời gian tới quan tâm, nghiên cứu, có phương án để phát huy giá trị của các món ăn được vinh danh.
Trước mắt là, phát động phong trào “Món ngon quê tôi” để lan tỏa, phát huy giá trị những món ngon của các địa phương…