Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Trong tâm thức của bao thế hệ người dân Việt, dịp 20/11 không chỉ là ngày hội của một ngành nghề, mà còn là sự tôn vinh của toàn xã hội đối với nghề giáo. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ về sứ mệnh của nghề giáo, cũng như vai trò của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

Xã hội phát triển đòi hỏi giáo dục đào tạo luôn phải đi trước và đặt nền tảng, mở đường cho các lĩnh vực khác phát triển. Vì vậy, giáo dục đào tạo luôn phải đổi mới để đáp ứng được xu thế và bối cảnh hội nhập.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, giáo dục phải sớm tiếp cận để đào tạo những thế hệ sinh viên có tri thức mới, các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học đều phải đổi mới để thích ứng, bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới.

Và hơn bao giờ hết, người thầy của Việt Nam hôm nay cần nỗ lực đổi mới và sáng tạo trong công việc, toàn tâm toàn ý vì sự phát triển của người học để hoàn thành sứ mạng mà xã hội giao phó, góp phần hình thành nhân cách, tri thức của học sinh.

Với đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, ông có đánh giá như thế nào?

Đa phần các thầy, cô giáo đều được đào tạo và trưởng thành từ môi trường giáo dục của Thừa Thiên Huế, nơi có truyền thống về giáo dục, giàu tâm huyết với nghề. Tình trạng giáo viên bỏ việc, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo có nhưng chỉ là thiểu số. Điều này thể hiện đội ngũ giáo viên của Thừa Thiên Huế rất tự tôn, tự trọng, luôn đặt mình trong bối cảnh chung bề dày truyền thống của vùng đất để phấn đấu. Mỗi giai đoạn, thời kỳ đều đạt được kết quả nhất định, thế hệ sau luôn đặt ra mục tiêu và nỗ lực làm sao phải hơn thế hệ trước, thành tích của hôm nay phải hơn hôm qua và ngày mai phải hơn hôm nay. Những năm trở lại đây, đội ngũ nhà giáo vừa đảm bảo và nâng cao các chỉ số phát triển giáo dục vừa đảm bảo các điều kiện thực hiện các nhiệm vụ giáo dục phổ thông mới.

Ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến việc phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, từ công tác tập huấn chuyên môn đến bồi dưỡng cán bộ quản lý, xây dựng đội ngũ, tạo điều kiện cho thầy, cô giáo toàn tâm, toàn ý với công việc.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại và trước yêu cầu đổi mới giáo dục, sứ mệnh nhà giáo vinh quang nhưng thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết. Vậy các nhà giáo cần phải làm gì để đáp ứng những yêu cầu hiện nay?

Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, giáo viên phải nhận diện được sự thay đổi, xác định được vai trò, vị trí nghề nghiệp của mình. Mỗi thầy, cô giáo phải tự rèn luyện, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch làm việc phù hợp với bối cảnh hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự cố gắng, bản lĩnh của người giáo viên. Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thầy, cô giáo là người tổ chức, định hướng để học sinh tiếp cận kiến thức nên phải đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra môi trường giáo dục ở đó học sinh tìm được sự chia sẻ, động viên, mục tiêu để phấn đấu.

 Cô và trò Trường tiểu học Quang Trung, TP. Huế

Vẫn có tình trạng giáo viên thiếu cầu tiến nên không bắt nhịp kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, không đáp ứng kịp nhu cầu tìm kiếm kiến thức của học sinh. Đây là những thách thức, áp lực đòi hỏi người giáo viên phải luôn sáng tạo, nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới, tạo ra động lực đam mê với nghề nghiệp. Nếu thầy, cô giáo chăm chút, tìm tòi phương tiện dạy học hiện đại đưa vào bài giảng thì sẽ tạo động lực cho cả người học và người dạy.

Mỗi thầy, cô giáo cần xác định rõ trách nhiệm, vị thế của mình. Từ đó, không ngừng phát triển, rèn luyện để trở thành thầy giáo, cô giáo toàn diện về nhân cách, kiến thức, có tinh thần vượt khó, kiên trì, đoàn kết cùng tập thể toàn ngành hoàn thành sự nghiệp cao cả trồng người.

Một điều khiến nhiều người băn khoăn là, tính chất thương mại đã ít nhiều xâm nhập vào nhà trường làm ảnh hưởng đến vị thế người thầy, sự kính trọng đối với người giáo viên có lúc không được như ngày xưa. Ông nghĩ sao về điều này và chúng ta cần làm gì để giữ mãi tinh thần “tôn sư trọng đạo”?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy đâu đó vẫn có tình trạng thương mại hóa trong trường học, như việc cắt xén bữa ăn của học sinh, tổ chức dạy thêm tràn lan, lạm thu lạm chi ở một số cơ sở giáo dục. Một số giáo viên có lối sống, cách cư xử chưa chuẩn mực… Dù không phải là phổ biến nhưng đây là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Thương mại hóa xâm nhập vào nhà trường cũng ảnh hưởng đến vị thế của người giáo viên.

Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, vẫn có nhiều cách để chúng ta phát huy sứ mạng của người giáo viên. Cũng còn đó những tấm gương thầy, cô giáo ngày đêm tận tụy ở vùng sâu, vùng xa để mang con chữ đến cho học sinh trong khi đồng lương ít ỏi. Vẫn còn đó rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của thầy, cô giáo, vượt qua khó khăn cuộc sống để mang đến cho học sinh những giờ dạy hay và sáng tạo, cưu mang học sinh khuyết tật, chia sẻ những tấm áo, miếng cơm, đưa đón học sinh đi học… Chúng ta nhìn và hướng đến những điểm sáng, những mặt tốt của giáo dục để có thái độ tôn trọng người thầy. Đôi lúc, cách nhìn của mọi người với giáo dục chưa toàn diện, thiếu thiện cảm, cần nhìn nhận ở góc độ giáo dục đang phát triển nhưng vẫn có những hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục những rào cản để không ảnh hưởng đến mặt tích cực.

Trong bối cảnh đời sống còn khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo có những giải pháp gì để động viên đội ngũ giáo viên gắn bó, tâm huyết với nghề?

Động lực nghề nghiệp và động lực đời sống là hai yếu tố quan trọng tạo động lực cho giáo viên làm việc. Động lực nghề nghiệp giúp giáo viên gắn bó, tự tôn về nghề. Về chế độ tiền lương, phải giải quyết tốt đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo để họ có thể chuyên tâm và tận tâm với nghề. Gần đây nhất, Quốc hội chất vấn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời rằng sắp tới lương giáo viên được thực hiện theo Nghị quyết 29, cao nhất trong khối hành chính. Hy vọng, Nghị quyết của Quốc hội sẽ trở thành hiện thực để giảm bớt một phần khó khăn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học.

Ngoài chính sách tiền lương chung của quốc gia, mỗi địa phương cũng có những chính sách phù hợp nhằm giảm bớt áp lực cho đội ngũ nhà giáo. Ở Thừa Thiên Huế, việc luân chuyển, điều động, hoán đổi vị trí của giáo viên thuộc thẩm quyền của Sở được thực hiện theo hướng bố trí cho giáo viên công tác gần nhà. Đây là giải pháp nhỏ nhưng giải quyết được vấn đề lớn, cần được lan tỏa đến các phòng giáo dục ở các địa phương. Tại các trường học, ban giám hiệu các trường cần tạo ra môi trường giáo dục tích cực, trở thành ngôi nhà thứ hai, nơi thực sự chia sẻ để giúp thầy, cô giáo vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng cần có sự quan tâm, động viên đội ngũ giáo viên vào các dịp lễ, Tết, hoặc có quỹ dành cho giáo dục để có sự chăm lo, ghi nhận, chia sẻ khó khăn cho nhà giáo. Cũng nên có một quy chế tôn vinh dành riêng cho thầy, cô giáo phấn đấu tốt trong năm học.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hiền (Thực hiện)