Do nước ở chợ An Cựu chưa rút hết nên buộc tiểu thương phải “thành lập” chợ tạm trên đường

Tại một số chợ dân sinh như Bến Ngự, Đông Ba, chợ Cống…, bên cạnh một số mặt hàng thịt, rau củ giá như ngày thường, như đậu cove khoảng 30 ngàn đồng/kg; cải thìa, cải ngọt…, giá giao động 30-40 ngàn đồng/kg; thịt bò khoảng 250 ngàn đồng/kg; thịt heo từ 90-125 ngàn đồng/kg (tùy loại); thịt gà công nghiệp 50 ngàn đồng/kg; giá trứng gà, trứng vịt cơ bản ổn định thì các loại rau ăn lá, rau màu, cá, tôm đều tăng.

Cụ thể, hành lá tăng mạnh nhất, từ 20 ngàn đồng/kg tăng lên 45 ngàn đồng/kg; rau khoai từ 8 ngàn đồng nay tăng 12 ngàn đồng/10 ngọn; cá nục từ 60 ngàn đồng/kg tăng lên 80 ngàn đồng/kg; cá dìa ngày thường khoảng 130 ngàn đồng/kg nay tăng lên 150 ngàn đồng/kg; gà ta tăng từ 20-30 ngàn đồng, giá khoảng 150 ngàn đồng/kg…

Do nước ở một số chợ dân sinh chưa rút hết buộc nhiều tiểu thương phải “thành lập” chợ tạm, đem hàng bày bán trên đường.

Theo bà Nguyễn Thị Em, tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ An Cựu, trừ rau màu khan hàng nên tăng gấp 2, gấp 3 ngày thường, các mặt hàng còn lại có tăng nhưng không đáng kể, một phần nhờ nguồn hàng tại chợ đầu mối Phú Hậu khá dồi dào và khi nước dâng cao, các đầu mối chợ Phú Hậu vẫn dùng ghe thuyền chở hàng đến. 

Tại Co.oop mart Huế, GO! Huế, do chủ động từ trước nên các siêu thị chủ động tăng gấp 2, gấp 3 lượng hàng so với thời điểm trước lụt. Nhờ vậy, cùng với các mặt hàng mang tính “nhanh, gọn” như mì ổ, xúc xích, sữa, bánh ngọt, lương khô…, các loại mì tôm, dầu ăn, đường, các loại rau củ quả, thủy hải sản khá dồi dào và giá cả vẫn như ngày thường.

“Thực hiện việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống bão lụt 2023, hiện siêu thị đã dự trữ 5,5 tấn gạo, 10 tấn mì ăn liền, 5.000 lít nước uống đóng chai, 12 tấn muối ăn, cộng thêm việc tăng cường nguồn hàng từ các tỉnh, thành về, nhìn chung đơn vị đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn”, đại diện GO! Huế cho hay.

 Hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào

Ngoài GO! Huế, hiện một số doanh nghiệp phân phối lớn cũng đã trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống bão lụt 2023 như Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế dự trữ 900 ngàn lít xăng, 1 triệu lít dầu diezen, 25 ngàn kg gas; Công ty CP Hương Thủy dự trữ 50 ngàn lít xăng, 50 ngàn lít dầu diezen, 60 ngàn kg tôn lợp, 50 ngàn kg xà gồ...

Theo lãnh đạo Sở Công thương, bên cạnh các đơn vị trên, qua kiểm tra, tình hình dự trữ hàng hóa phòng, chống bão lụt của các doanh nghiệp đã ký hợp đồng đảm bảo đủ số lượng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế dự trữ 70 tấn gạo; Công ty TNHH thương mại Thái Đông Anh dự trữ 50 tấn mỳ ăn liền; Công ty TNHH DV&TM TH Hoàng Đạt dự trữ 30 tấn gạo, 50 tấn mỳ ăn liền.

Về tình hình dự trữ hàng hóa đối với UBND các huyện, thị xã và TP. Huế, hiện các đơn vị đã dự trữ 294 tấn gạo, hơn 211 tấn mỳ ăn liền, 90 ngàn lít nước uống, gần 64 ngàn lít xăng dầu; dự trữ của cấp xã, phường là gần 1,5 ngàn tấn gạo, hơn 105 tấn mỳ ăn liền, hơn 344 ngàn lít nước uống, gần 209 ngàn lít xăng dầu và các mặt hàng khác như: muối ăn, lương khô, đồ hộp, thuốc y tế, bao bì, đèn pin, áo mưa, áo phao, phao cứu sinh…

“Ngoài các siêu thị, nhà phân phối lớn và doanh nghiệp ký hợp đồng dự trữ hàng hóa phòng, chống bão lụt thì hiện, các doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, kinh doanh xăng dầu… đều có hệ thống kho chứa, cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận chuyển phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, cộng với hệ thống cửa hàng lương thực, thực phẩm của các hộ kinh doanh trải đều kể cả ở vùng sâu, vùng xa… sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân trong và sau lũ”, đại diện Sở Công thương cho hay.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG