Cảnh ngập lụt do mưa lũ tại thành phố Liege, Bỉ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Báo cáo của OECD được đưa ra trước thềm các cuộc đàm phán về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 này tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE); trong đó, tài chính sẽ là một điểm mấu chốt.
Được biết, OECD được giao nhiệm vụ giám sát các số liệu chính thức về cam kết nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng và khả năng phục hồi của họ trước những tác động ngày càng gia tăng của khí hậu.
Trước đó vào năm 2009, các quốc gia giàu có hơn đã cam kết sẽ đạt 100 tỷ USD hàng năm để tài trợ cho những ưu tiên này vào năm 2020. Việc không đạt được mục tiêu đúng thời hạn đã làm tổn hại đến niềm tin trong các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế.
Trong các số liệu cập nhật nhất, OECD cho biết các quốc gia giàu có hơn đã đạt tổng tài trợ 89,6 tỷ USD cho năm 2021. “Dựa trên dữ liệu sơ bộ và chưa được xác minh, mục tiêu này có khả năng đã đạt được tính đến năm 2022”, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết trong báo cáo mới nhất.
Tuy nhiên, ông Mathias Cormann nói thêm, theo ước tính của các chuyên gia, những quốc gia đang phát triển sẽ cần phải chi khoảng 1 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2025 cho các khoản đầu tư vào khí hậu, và con số này sẽ tăng lên khoảng 2,4 nghìn tỷ USD/năm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy tài chính công chỉ có thể đóng góp một phần cho những nhu cầu to lớn này, ông Mathias Cormann cho rằng, các nhà tài trợ quốc tế sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy nguồn tài trợ tổng thể.
Nguồn tài chính hiện nay từ các quốc gia giàu có không đủ hiệu quả trong việc thu hút thêm những khoản đầu tư và tài trợ của khu vực tư nhân. Trong khi đó, nguồn tài chính tập trung vào việc thích ứng mà các quốc gia phải bắt tay vào để chuẩn bị cho một loạt những tác động ngày càng tăng của khí hậu cũng đang bị chậm lại.
Các biện pháp thích ứng có thể bao gồm việc xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển, hoặc giúp nông dân trở nên kiên cường hơn trước những trận lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng, cũng như các hiện tượng khí hậu cực đoan khác.
Trong một động thái liên quan hồi đầu tháng này, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã công bố một báo cáo cho biết, tổng kinh phí hàng năm mà các quốc gia đang phát triển cần để thích ứng với tác động của khí hậu trong thập kỷ này ước tính tăng lên tới 387 tỷ USD.