Người A Lưới làm du lịch gắn với các hoạt động đời sống và bản sắc văn hóa |
Làm du lịch dựa vào bản sắc văn hóa
Hòa vào dòng người tham dự phiên chợ vùng cao A Lưới, tôi và những người bạn không khỏi bị cuốn hút dù đã có mặt ở miền sơn cước này nhiều lần. Lễ cưới của người Pa Cô được tái hiện một cách đặc sắc, lại thêm không gian để khách thưởng thức những đặc sản, nông sản chỉ riêng A Lưới mới có. Gia Hân, một trong những người cùng đi với chúng tôi trong chuyến hành trình ấy thốt lên: “Mình dường như bị quyến rũ bởi nét văn hóa độc đáo, bởi sắc màu và mùi vị của các món ăn từ sản vật núi rừng nơi đây được chế biến theo phong cách ẩm thực truyền thống bản địa cùng các cô gái trong trang phục thổ cẩm”.
Tôi không nhớ rõ mình đã lên A Lưới và có mặt ở phiên chợ vùng cao trên dãy Trường Sơn hùng vĩ bao nhiêu lần. Nhưng, có một điểm thú vị là mỗi lần ghé lại, đều có những cái mới. Trên chính bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, ngành du lịch và người dân địa phương đã sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa mà ông cha để lại.
Đưa chúng tôi đến với những câu chuyện văn hóa của vùng đất có nhiều DTTS anh em sinh sống, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới chia sẻ: “Sự biến động của thời gian, của những thiên tai, dịch bệnh và của cả mặt trái trong quá trình hội nhập, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS có nguy cơ bị mai một. Hiểu được điều đó, chính quyền địa phương và người dân, trong đó có công lao rất lớn của các già làng, trưởng bản đã cùng nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch. Mới đây, đoàn nghệ nhân dệt Dèng Tà Ôi của A Lưới vừa có mặt tại Khu Di tích Thăng Long - Hà Nội để tham gia Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Những hoạt động trưng bày, giới thiệu, đưa sản phẩm và văn hóa của đồng bào dân tộc A Lưới đến bạn bè, du khách ở địa phương bạn cũng là cách để phát huy giá trị văn hóa”.
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô, vùng nông thôn ven thành phố, vùng cao của đồng bào các DTTS đã, đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn… Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, không chỉ ở miền xuôi mà ở hai huyện vùng cao A Lưới, Nam Đông, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, đặc biệt là dựa vào những nét đặc sắc văn hóa của bà con đồng bào các DTTS.
Nhắc đến Nam Đông, không thể bỏ qua những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu (chiếm khoảng 43% dân số toàn huyện) từ kiến trúc nhà Gươl, nhà mồ hay trang phục truyền thống, dụng cụ âm nhạc dân tộc… đến hệ thống suối, thác, hang động, thảm thực vật, rừng nguyên sinh. Vận dụng điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa vào làm du lịch, lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại huyện Nam Đông trung bình đạt 15.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú hơn 5.000 lượt, bình quân doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm.
Gắn với những giá trị bền vững
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một mặt, để phát triển du lịch, thì giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS sẽ là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là chất liệu quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt hơn. Đó là kinh nghiệm được những người làm du lịch đúc rút, thế nhưng cũng cần phải nhấn mạnh là phát huy giá trị văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch phải gắn với những giá trị bền vững.
Trong một phát biểu liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS của Việt Nam sẽ có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khác nhau. Nhưng, trong giai đoạn hiện nay, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch được coi là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất.
Để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch nói trên tại cộng đồng, vùng đồng bào DTTS, các địa phương cần có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người DTTS. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Các địa phương cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch.