Còn bà tôi thì cười xòa, bà nói: “Kệ, cứ thả ra cho chúng nó cứng cáp, khôn lên, bây chăm kỹ quá rồi sau này ra đời tụi hắn chả biết làm nên trò trống gì!”. Rồi bà thong thả ra trước ngõ, lấy cây khoèo hái vài trái khế chua. Đoạn bà hái một dúm rau răm trồng bên áng nước, tiện tay bà ngắt vài trái ớt xanh cạnh đó.

Cá bà cắt bỏ mang, đuôi, nặn nhẹ vào chiếc bụng cho mật ra hết. Thật ra để mật vậy ăn có vị đắng nhẫn nhẫn cũng ngon nhưng vì chìu ý thích của tôi nên mỗi lần làm cá bà vẫn hay lấy mật cho hết. Khế chua xắt dọc, cho vào dúm muối bóp và xả qua nước lạnh cho bớt chua, rau răm xắt nhỏ và giã trái ớt xanh. Bà ướp vào cá chút tiêu hành, nước mắm, đoạn bắt nồi nước. Chờ khi nước sôi bà bỏ cá, ớt xanh và khế vào, hạ nhỏ lửa xong chờ ít phút cá chín, bỏ rau răm vào và tắt bếp.

Cá lúi ngoài nấu canh khế còn được nấu thành nhiều món, cá lúi kho ném, kho ớt xanh, kho rim, chiên giòn... Con cá lúi rất nhiều xương nên khi ăn mạ hay dặn chúng tôi không được nói chuyện để tập trung kẻo sợ mắc xương. Nhưng thịt cá lúi rất hiền và ngọt, đặc biệt trúng mùa cá lúi sinh sản con nào con nấy bụng tròn căng những trứng, ngon vô cùng.

 Ngoài kia mưa trắng trời, thỉnh thoảng một vài cơn gió thoảng qua liếp nhà tranh. Mẹ nhấc nồi cơm nghi ngút khói, tô canh cá lúi ngọt lành thơm dịu vị cá, chua nhẹ của khế hòa quyện mùi rau răm, chưa ăn mà chúng tôi đã có cảm giác thật ấm, nghe cái bao tử cồn cào.

Cá lúi không phải là một loài cá đắt tiền, nhưng con cá lúi đã là một món ăn gắn bó, thấm đượm tình quê hương xứ sở. Để dù bôn ba chân trời góc bể, đã nếm trải rất nhiều những món ngon vật lạ vẫn luôn nặng lòng với tô canh cá lúi nấu khế, ngọt thơm dân dã hương vị quê nhà.

THÙY TRANG