TS Phan Thanh Hải, đứng bìa phải, cùng 5 học viên vừa được trao chứng chỉ bảo tồn từ dự án

- Chúng tôi đánh giá khu vực Bửu Thành môn và Bình phong bia mộ của lăng Tự Đức là một trong những di sản rất quan trọng của triều Nguyễn - một công trình vốn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật cung đình Việt Nam, giai đoạn nửa sau TK XIX. Tiếc rằng, thời gian, khí hậu khắc nghiệt và cả chiến tranh, hai công trình trên đều bị hư hỏng nặng, mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Với kinh nghiệm đã từng phục hồi thành công những tác phẩm tranh tường nghệ thuật ở Cung An Định, chúng tôi quyết định phối hợp với nhóm chuyên gia CHLB Đức, nhóm GCREP, để vừa thực hiện một dự án có tính chất thử nghiệm tại đây. Tham gia dự án này, còn có 5 học viên xuất sắc được GCREP chọn từ dự án bảo tồn và phục chế tranh tường tại Cung An Định. Qua đây, các thành viên tham gia được tiếp nhận các kỹ thuật bảo tồn phục chế tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp với công nghệ vôi vữa truyền thống của Việt Nam, để tiếp tục đóng góp cho công cuộc bảo tồn quần thể di tích Huế. Đến nay, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng với hiệu quả của công trình.

- TS có thể cụ thể hơn những kết quả mà dự án đã đạt được?
Đây là hai công trình được xây bằng gạch vữa trang trí theo lối truyền thống, vữa bả màu, các họa tiết được thực hiện bằng các kỹ thuật khảm sành sứ, vẽ màu sống và phù điêu đắp nổi... mang phong cách tiêu biểu của kiến trúc Huế. Dự án này được tiến hành nhằm bảo tồn thử nghiệm công trình di tích với điều kiện tồn tại ngoài trời, chịu nhiều tác động phức tạp của thời tiết khắc nghiệt ở Huế. Dự án tuy có quy mô không lớn nhưng đã được lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và giới chuyên môn đánh giá cao đối với những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu và đào tạo. Với sự nhiệt tình và cần mẫn của những người làm công tác bảo tồn, đặc biệt là các chuyên gia đầy kinh nghiệm đến từ CHLB Đức, công trình đã được phục hồi toàn vẹn theo đúng những tiêu chuẩn bảo tồn và trùng tu quốc tế. Vẻ đẹp của công trình di tích vốn có trước đây được hoàn trả lại, hòa hợp với không gian cổ kính và thơ mộng của lăng Tự Đức. Sự thành công của dự án này sẽ đem đến những lợi ích lâu dài không riêng cho công trình này mà còn góp phần thiết lập được một quy trình bảo tồn trùng tu đặc thù cho các công trình khác của quần thể di tích kiến trúc Huế.
Trong quá trình thực hiện, vấn đề khó khăn trong việc phục chế và tái chế các mảnh sành sứ chuyên dụng để trang trí đã được nghiên cứu giải quyết và đạt được thành công đáng kể. Các chi tiết trang trí khảm sành sứ bị hư hỏng, bong lóc của công trình được phục hồi và gia cố hoàn chỉnh. Ngoài ra, một công nghệ sử dụng để tái chế các mảnh sành sứ có màu xanh đặc thù thường được trang trí trên di tích Huế đã được tiến hành thử nghiệm và đạt được kết quả khả quan. Trong lĩnh vực đào tạo năng cao năng lực, 5 học viên của dự án đã tích cực tham gia có hiệu quả trong các hoạt động của dự án. Họ đã tiếp tục được đào tạo và chuyển giao những kiến thức, kỹ năng thực hành và phương pháp luận về bảo tồn phục hồi di tích theo tiêu chuẩn quốc tế, và đã có thề trực tiếp tham gia các công việc của các dự án bảo tồn trùng tu tại Huế. Hiện nay các chuyên gia của GCREP và cán bộ của Trung tâm BTDTCĐ Huế đang lập báo cáo khoa học của dự án này, đồng thời và cho tập hợp các kết quả nghiên cứu thử nghiệm cũng như các kỹ năng, công nghệ được thiết lập và ứng dụng thực tế tại công trình thành một cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật, nhằm phục vụ cho dự án tổng thể bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị khu lăng Tự Đức trong giai đoạn tới.

Đến nay có thể nói, dự án đã đạt được cả hai mục tiêu đề ra ban đầu là bảo tồn phục hồi di tích và đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ bảo tồn thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế và các đối tác liên quan. Về chuyên môn, dự án đã nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng thành công một số kỹ năng bảo tồn trùng tu công trình di tích sử dụng vôi vữa và trang trí truyền thống trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đặc thù của khu vực Huế. Qua dự án này, một số công thức để sản xuất vôi vữa truyền thống để phục hồi màu sắc trang trí ngoại thất đã được thử nghiệm tại công trường dự án, và đang được kiểm tra để đăng ký cho ứng dụng trong các dự án bảo tồn di tích cũng như cho những công trình xây dựng mới ở Huế.

- Từ thành công của dự án này, trung tâm đã có dự án nào kế tiếp?
Như chúng ta đã biết, quần thể kiến trúc cố đô Huế là một di sản vật chất hết sức lớn, là kết tinh của tổ tiên qua nhiều thế hệ cha ông để lại. Trung tâm BTDTCĐ Huế là đơn vị được tỉnh giao trách nhiệm quản lý quần thể này, nên chúng tôi ý thức rằng công việc này hết sức lớn và đòi hỏi công sức, trí tuệ, tài năng của rất nhiều người. Tuy nhiên, để thực hiện thành công sự nghiệp ấy, cần có sự chuẩn bị chu đáo lâu dài; đồng thời, tranh thủ tối đa những kinh nghiệm và kết quả mà chúng ta đã đạt được với thành công xây dự án phục hồi tranh tường Cung An Định và thành công bước đầu trong dự án bảo tồn phục hồi Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ tại lăng Tự Đức này. Chúng tôi rất hy vọng sẽ có những dự án tiếp tục triển khai trong tương lai. Và để biến hy vọng thành hiện thực, chúng tôi đã tích cực liên hệ với các tổ chức của Đức, đặc biệt Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Thời gian tới, nhóm chuyên gia bảo tồn GCREP do bà Andreas Teufel đứng đầu, có nguyện vọng sẽ làm việc tại Trung tâm, như một chuyên gia, cán bộ của Trung tâm và sẵn sàng hưởng với mức lương do Trung tâm trả. Đây là điều đặc biệt. Chúng tôi rất vui mừng, đã báo cáo lên lãnh đạo tỉnh cũng rất ủng hộ. Tôi cho rằng đó là một trong những công việc chuẩn bị rất cần thiết cho những dự án tiếp theo.
Chúng tôi hy vọng, trong năm tới Trung tâm BTDTCĐ Huế cùng với GCREP sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn trùng tu và tôn tạo những công trình di tích khác, góp phần làm cho diện mạo khu di sản Huế ngày càng được phục hồi nguyên vẹn và được bảo tồn phát huy bền vững.
-Xin cảm ơn ông!
Đồng Văn

Chuyên gia bảo tồn Andreas Teufel, người đứng đầu nhóm gcrep:

Thực sự là một niềm vui lớn đối với chúng tôi khi thực hiện dự án này, với sự giúp đỡ của các bạn, nhằm bảo tồn một công trình di tích truyền thống nằm trong hệ thống di sản của Việt Nam để lưu lại cho thế hệ tương lai. Và trong suốt thời gian qua, TP Huế như đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi. Khi bắt đầu dự án này, chúng tôi biết rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn vì những hư hỏng, xuống cấp của hai công trình này rất phức tạp. Với những kiến thức và khả năng hiểu biết của mình, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để đạt được các kết quả tốt nhất.

Chúng tôi, cùng với các học viên của dự án, đã bất chấp các điều kiện khó khăn ở đây, khí hậu nóng bức và việc mất điện thường xuyên vào mùa hè, cũng như mưa lạnh của mùa đông, để cố gắng hoàn thành công việc của mình. Chúng tôi thực sự không thể nào quên được vẻ đẹp thơ mộng của di tích này và những công việc hết sức đặc biệt mà chúng tôi đã thực hiện. Chúng tôi hy vọng rằng, đây là dự án thí điểm về bảo tồn trùng tu di tích công trình di tích ngoài trời có thể áp dụng đối với các dự án bảo tồn tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn rằng có thể tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho chương trình bảo tồn di tích ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.