Với giáo viên vùng cao, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn thấm đẫm tình yêu thương với học trò |
Gắn bó
Tính đến năm học này là tròn 32 năm thầy giáo Nguyễn Văn Sinh, giáo viên Trường TH và THCS Hồng Thủy gắn bó với mảnh đất vùng cao A Lưới. Hơn 30 năm trước, thầy giáo Sinh từ quê nhà huyện Phú Vang mang sức trẻ đến mảnh đất Hồng Thủy. Ngôi trường chính ở bản Kê với 2 phòng học bằng gỗ, cùng cơ sở lẻ tranh tre nứa lá, cả trường chỉ vỏn vẹn 6 giáo viên. Lập gia đình, thầy Sinh đưa vợ từ Huế lên định cư luôn ở mảnh đất Hồng Thủy đến nay.
Nhớ lại chuyện xưa, thầy Sinh kể, không thể nói hết những khó khăn vất vả của thầy, cô giáo ở vùng cao. Đời sống khó khăn với đồng lương 146 đồng/tháng, địa hình đi lại hiểm trở, nhất là mùa mưa dai dẳng cùng cái rét giá lạnh, vượt qua những cung đường nước xiết, nước suối dâng cao, đường núi bùn đất trơn trượt và lầy lội. Sau giờ tan trường, thầy trò cùng đi bắt cá suối, hái măng rừng để cải thiện bữa cơm chiều.
Thầy Sinh hồi tưởng: “Bếp ăn chỉ có nồi cơm và vài con cá mắm nhưng học trò ngày nào cũng đến “làm khách”. Thương lắm những tấm lòng của các bố, các mẹ người dân tộc vùng cao, đi săn được con thú, hái được mớ rau rừng cũng để phần cho thầy. Phần thầy lúc nào về xuôi lên cũng không có gì hơn ngoài lon mắm ruốc hay vài ổ bánh mì làm quà, đơn sơ, mộc mạc thế thôi nhưng thấm đẫm tình thương yêu chan chứa”. Bây giờ, cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng những khó khăn ở đây vẫn còn khi xã Hồng Thủy có đến 75% là hộ nghèo. Thế nên, hành trình tìm con chữ của học sinh cũng lắm gian nan.
Thầy giáo Nguyễn Đình Quốc, giáo viên Trường THCS Hương Nguyên cũng có 23 năm đồng hành cùng học trò vùng cao A Lưới. Nhà ở An Hòa, TP. Huế, mỗi ngày thầy vượt 90km cả đi và về để gieo chữ cho học sinh. Buổi trưa, thầy Quốc ở lại cùng đồng nghiệp ở nhà công vụ. Lúc nào mưa to gió lớn, đường đi sạt lở, thầy Quốc phải ở lại. Ngoài khó khăn đường sá xa xôi, việc dạy học ở vùng cao rất vất vả khi hoàn cảnh kinh tế, điều kiện học tập thiếu thốn.
Thầy Quốc chia sẻ: “Ở thành phố, học sinh tìm thầy, cô học thêm chứ ở trên này, thầy, cô phải đi tìm học trò. Việc học bố mẹ giao khoán cho thầy, cô, nhiều khi đi rẫy cả tuần, con ở nhà nghỉ học cũng không biết. Nhiều học sinh học lớp 6 nhưng mất kiến thức căn bản, thầy phải dạy lại kiến thức lớp 4, lớp 5. Vào mùa mưa lũ, nhiều em nghỉ học, thầy, cô giáo cũng phải lội khe, lội suối đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách khắc phục. Bởi, theo chương trình mới, học sinh nghỉ học sẽ rất khó tiếp cận”.
Với học sinh vùng cao, thầy, cô giáo luôn là chỗ dựa tinh thần cho các em |
Thấu hiểu và sẻ chia
Thầy Nguyễn Đình Quốc chia sẻ rằng, với giáo viên công tác ở vùng cao, thầy, cô giáo không chỉ là người dạy chữ mà còn là chỗ dựa cho học sinh. Khi đến vùng sâu, vùng xa dạy chữ, ngoài giáo án, mỗi giáo viên còn mang theo một trái tim ấm áp, cống hiến hết mình để những con chữ nảy mầm trên vùng đất khó. Đó chính là sự hy sinh thầm lặng, khó có thể kể hết bằng lời.
Không biết tự bao giờ, nỗi lo sách vở, quần áo, dụng cụ học tập không chỉ đến từ phía học sinh, phụ huynh mà còn là nỗi băn khoăn, lo lắng thường trực của các thầy, cô giáo ở những vùng sâu, vùng xa. Hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học, thầy, cô giáo lại bớt xén tiền lương góp nhau giúp đỡ, rồi kêu gọi các tổ chức đoàn thể, vận động anh em, bạn bè, người thân ủng hộ từng bộ sách giáo khoa đến quần áo mới cho các em tiếp tục đến trường. Sau giờ dạy, thầy, cô còn tranh thủ cắt tóc, tắm rửa, gội đầu cho học trò.
Thấy em nào nghỉ học vài hôm, thầy, cô lại lặn lội tới nhà thăm hỏi, động viên các em tiếp tục đến trường. Nhiều khi chứng kiến cảnh học sinh thiếu thốn, thầy lại rưng rưng nước mắt. Thầy Quốc kể: “Có lần, tôi đến nhà học sinh vào giờ cơm trưa. Thấy trò ăn sắn qua bữa, tôi hỏi sao có gạo mà em không nấu ăn cơm? Trò bảo, ăn cơm phải có canh, có cá, có rau mà nhà em không còn chi, em luộc củ sắn chấm muối cho dễ nuốt. Tôi nghe vậy không cầm được nước mắt”.
Với giáo viên vùng cao, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương với các em học sinh. Nếu không, mấy ai bám trụ được với nghề ở những vùng quá khó khăn. “Đối với tôi, làm thầy không đơn thuần là nghề mà là sứ mệnh thiêng liêng. Trên lớp, tôi dạy các con cái chữ; tan trường, tôi dạy các em làm người. Để gieo con chữ cho các em, cần có thời gian với lộ trình cố gắng của các cấp chính quyền và cần có cả tấm lòng yêu thương, tâm huyết của thầy, cô giáo, quan tâm đến mỗi một hoàn cảnh của học sinh. Điều tôi mong muốn là các em trở thành công dân tốt, dùng tri thức để thay đổi cuộc sống, phát triển quê hương của mình. Trò thành công, thầy cũng hạnh phúc”, thầy Sinh bộc bạch.
Cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở những vùng đất khó khăn, sự hy sinh của thầy, cô giáo là vô cùng lớn. Nhưng khi nói về mong muốn, nhiều thầy, cô lại không nghĩ gì về phần mình. Họ chỉ mong học sinh vùng cao được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn, mùa đông các em có áo ấm, có dép mang đến lớp, là bữa cơm của các em có thịt, có cá, các em được đến lớp đông đủ, học hành thành tài để thoát nghèo.