Tình trạng hoang tàn, ngổn ngang của dãy nhà bên trong di tích Quốc Tử Giám kể từ khi bị hỏa hoạn |
Quốc Tử Giám là di tích trường đại học duy nhất thời Nguyễn còn tồn tại ở Việt Nam và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn, Quốc Tử Giám đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993. Thế nhưng, gần 40 năm qua, di tích này là trụ sở và không gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Dãy nhà bị cháy nằm phía tay phải Di Luân Đường trong khuôn viên Quốc Tử Giám. Thời điểm xảy ra vụ cháy vào chiều 17/8/2022, dãy nhà này được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trưng bày về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Thừa Thiên Huế (1930-1954). Dù được khống chế kịp thời sau một giờ đồng hồ nhưng hệ thống mái, kèo chịu lực của dãy nhà làm bằng gỗ bị lửa thiêu cháy khiến một phần mái khu nhà bị sụp xuống.
Theo kiểm kê sau hỏa hoạn, có 180 hiện vật được trưng bày tại dãy nhà này. Sau khi kiểm đến, chụp ảnh có 163 hiện vật được đưa ra khỏi đám cháy, đảm bảo an toàn. Riêng 17 hiện vật chưa kịp di chuyển ra, sau khi ngọn lửa đã được khống chế, theo quan sát bằng mắt thường không bị ảnh hưởng.
Không lâu sau sự cố, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế kiến nghị các ban ngành chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, hiện trạng các dãy trưng bày tại bảo tàng để có phương án đề xuất các giải pháp bảo tồn, trùng tu theo quy định để bảo đảm an toàn tổng thể cho di tích Quốc Tử Giám lâu dài.
Tuy nhiên, đến thời điểm này việc chỉnh trang, tu bổ lại khu vực dãy nhà bị cháy bên trong di tích Quốc Tử Giám vẫn chưa được đả động. Theo ghi nhận từ bên ngoài vào có thể thấy được tình cảnh điêu tàn của khu nhà bị cháy, mái ngói bong tróc nham nhở. Vào bên trong, hệ thống kèo cột cháy đen sau khi bị sụp xuống, đan vắt qua nhau. Bên trên hệ thống mái trống hoác. Để đảm bảo an toàn, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã cho làm hàng rào mềm cũng như đặt biển báo nguy hiểm, cấm vào.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xót xa khi chứng kiến cảnh như thế ở bên trong không gian di tích Quốc Tử Giám – một trong những di tích quan trọng trong hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế. “Nơi này thường diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội nên người dân, du khách thường xuyên lui tới. Nhiều người đã không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến một phần bên trong di tích rơi vào tình cảnh xập xệ sau hỏa hoạn. Cần phải có biện pháp tu bổ để trả lại sự trang nghiêm cho di tích quan trọng này”, một nhà nghiên cứu mong mỏi.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho hay, sau khi xảy ra cháy thì phần cấu kiện, liên kết gỗ bị yếu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên phía cứu hỏa và công an khuyến cáo không vào trong dọn dẹp, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm không cho người và du khách vào trong. Về sửa chữa thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang thực hiện các thủ tục để triển khai.
Theo vị này, sau khi bị cháy thì công tác trưng bày của bảo tàng gặp nhiều khó khăn do không có không gian trưng bày cố định, chỉ còn không gian trưng bày chuyên đề (nhà Di Luân Đường) được bảo tàng sử dụng thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày theo kế hoạch công tác. Vì chỉ còn một không gian nên việc thu hút du khách còn nhiều hạn chế. Vì những lý do trên bảo tàng có định hướng tăng cường công tác tuyên truyền, trưng bày về cơ sở ở các huyện trên địa bàn tỉnh và xa hơn đưa ra ngoại tỉnh để tiếp tục phát huy giá trị các hiện vật hiện đang lưu giữ.
“Trong thời gian tới, bảo tàng sẽ di chuyển toàn bộ hiện vật lên địa điểm 268 Điện Biên Phủ để trả lại toàn bộ mặt bằng Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sửa chữa, phát huy. Sau khi di chuyển lên địa điểm mới, bảo tàng vẫn sẽ ở tạm do ở đây chưa có không gian trưng bày, mong lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư thiết chế bảo tàng tỉnh một cách hoàn chỉnh, phù hợp để tiếp tục phát quy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương Thừa Thiên Huế mà bảo tàng hiện đang lưu giữ”, đại diện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế chia sẻ.