Người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói ngay trước mắt. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
Được biết, Israel đã tuyên bố mỗi ngày sẽ cho phép 2 xe chở nhiên liệu của Liên hiệp quốc và các hệ thống liên lạc khác vào Gaza. Dù vậy, con số này chỉ bằng một nửa những gì mà Liên hiệp quốc cho là cần thiết để cứu sống hàng trăm nghìn người ở Gaza, bao gồm cung cấp năng lượng để hoạt động hệ thống nước, bệnh viện, tiệm bánh và xe tải chở hàng viện trợ.
Sự cố mất liên lạc này phần lớn đã cắt đứt khả năng trao đổi của 2,3 triệu dân Gaza đối với người khác, cũng như cắt đứt sợi dây liên lạc giữa khu vực với thế giới bên ngoài.
Người phát ngôn của Cơ quan Liên hiệp quốc về Người tị nạn Palestine (UNRWA) Juliette Touma cho biết, hiện lực lượng của cơ quan không thể đưa đoàn xe viện trợ đến vì đường dây liên lạc đã bị cắt. Mất điện, mất liên lạc kéo dài có nghĩa là các hoạt động nhân đạo của cơ quan tại Dải Gaza phải bị đình chỉ kéo dài.
Theo thông tin từ NetBlocks, một nhóm theo dõi tình trạng ngừng hoạt động Internet cho biết, các dịch vụ điện thoại và Internet ở một số khu vực tại Dải Gaza đã được khôi phục một phần vào ngày 17/11 vừa qua, sau khi cung cấp một lượng nhiên liệu hạn chế cho máy phát điện.
Đến nay, xung đột tại Dải Gaza đã bước sang tuần thứ 6. Theo cơ quan y tế Palestine, hơn 11.400 người Palestine đã thiệt mạng trong xung đột, 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ vị thành viên. 2.700 người khác được báo cáo là mất tích và được cho là bị chôn vùi dưới những đống đổ nát.
Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi thông tin, sau yêu cầu của Mỹ, Israel đã nhất trí cung cấp một lượng nhiên liệu nhất định vào Gaza mỗi ngày. COGAT, Cơ quan quốc phòng của Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của Palestine cho biết, sẽ cung cấp 60.000 lit (tương đương 15.850 gallon) nhiên liệu/ngày cho Liên hiệp quốc.
Tuy nhiên, UNRWA và các nhóm hoạt động nhân đạo khác cần ít nhất 120.000 lit (tương đương 31.700 gallon) nhiên liệu/ngày để thực hiện nghĩa vụ cứu sinh.
Theo Liên hiệp quốc, mỗi ngày Gaza chỉ nhận được 10% nguồn cung cấp thực phẩm cần thiết từ các chuyến hàng từ Ai Cập và việc “đóng cửa” hệ thống nước đã khiến phần lớn người dân phải uống nguồn nước bị ô nhiễm, gây ra dịch bệnh bùng phát.
Ebeer Etefa, phát ngôn viên khu vực Trung Đông của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) cho biết, tình trạng mất nước và suy dinh dưỡng ở khu vực bị xung đột đang gia tăng, khiến gần như tất cả người dân ở đây đều cần được hỗ trợ lương thực.
Có thể nói rằng, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói ngay trước mắt.