Hành động “nhặt được của rơi trả người đánh mất” là một hành động đẹp rất cần lan tỏa. Ảnh: CA TX. HƯƠNG THỦY 

Bà Hồ Thị Điểu, trú xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Theo thông tin từ UBND xã Lộc An, trong lúc bà Điểu dọn vệ sinh ngay khu vực cầu Lòn của chợ Truồi thì phát hiện một số tiền lớn - 30 triệu đồng của người dân bị đánh rơi.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, phải kiếm sống bằng nghề dọn vệ sinh trong chợ dù tuổi cao sức yếu, nhưng bà Điểu không tham của rơi. Mà ngay lập tức, bà mang số tiền này đến gặp nhiều tiểu thương gần đó để nhờ hỗ trợ tìm người đánh mất. Và số tiền này sau đó được trao trả lại cho bà Trần Thị Thanh T. (trú xã Lộc An) là người đánh rơi trước đó.

Dĩ nhiên hành động không tham tiền không phải của mình, nhặt được của rơi thì phải trả lại cho người bị đánh mất của bà Hồ Thị Điểu là một hành động đẹp và thiện lương, cần được kể nhiều trên mặt báo để mọi người cùng biết.

Việc làm của bà Hồ Thị Điểu cũng giống với chị Trần Thị Thu Hà – người bán vé số ở chợ Đông Ba mới đây. Trong khi đi tìm khách bán vé số tại khu vực bán giày dép của chợ Đông Ba, chị Hà phát hiện một chiếc lắc tay bằng vàng trị giá khoảng 5 triệu đồng do người nào đó đánh rơi, nên đã nhặt tài sản này và nhờ Ban quản lý chợ Đông Ba tìm người để trả lại.

Và bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, không chỉ trao giấy khen cho chị Trần Thị Thu Hà mà còn cho nhân rộng điển hình này đến các chị em tiểu thương và nhiều người đang làm nghề kinh doanh, buôn bán tại chợ Đông Ba.

“Nhân rộng điển hình” như của bà Điểu, chị Hà… cũng là việc làm hay và cần thiết. Tuy nhiên cứ thấy băn khoăn bởi “nhặt được của rơi trả người đánh mất” là bài học đạo đức vỡ lòng của học sinh lớp 1. Và đó đúng ra phải là chuyện hiển nhiên của cuộc sống chứ không nên là “chuyện lạ”, chuyện hiếm.

Đáng nói là những “chuyện lạ”, chuyện hiếm tốt đẹp cũng như nhu cầu nhân rộng điển hình như thế này không chỉ là chuyện riêng của Thừa Thiên Huế mà là chuyện chung của gần như tất cả các địa phương khác trên cả nước.

Điều này phản ánh một thực tế không thể chối cãi là xã hội chúng ta, tình trạng “người gian”, người tham tiền của từ trên trời rơi xuống, không phải do mồ hôi nước mắt của mình làm ra vẫn là số đông so với phần còn lại. Vậy nên mới có chuyện những hành động, việc làm không bình thường, lệch chuẩn đạo đức và văn hóa thì lại thành bình thường. Và ngược lại, người không tham của rơi lại là người bất thường.

Tín hiệu vui là những thông tin “nhặt được của rơi trả người đánh mất” như của bà Điểu, chị Hà… được báo chí lan tỏa ngày càng nhiều. Đi kèm là sự đa dạng về thành phần xã hội, từ anh công an, chị nhân viên công sở cho đến bà quét rác, chị bán vé số, anh bảo vệ ở di tích…

Nhưng sẽ vui hơn rất nhiều nếu một ngày nào đó, hành động “nhặt được của rơi trả người đánh mất” là một điều gì đó hiển nhiên. Để tất cả các tờ báo đều không còn coi chuyện nhặt được của rơi trả người đánh mất là “tin” hấp dẫn. Và các cơ quan, đơn vị cũng không còn ai phải tặng bằng khen hay nhân rộng điển hình cho cán bộ, nhân viên của mình…

Hoàng Văn Minh