Truyền thông về HIV tại lễ ra mắt CLB Gót hồng Huế |
Ca bệnh trẻ từ 16-25 tuổi
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện khoảng 80 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 45 người Thừa Thiên Huế. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống đang quản lý là 522 người. Trong đó, 500 người Thừa Thiên Huế, 5 người ngoại tỉnh và 17 phạm nhân ở trại giam Bình Điền. Số người nhiễm HIV phát hiện mới từ năm 2018 đến nay có xu hướng gia tăng so với giai đoạn từ năm 2011-2016. Sự gia tăng này chủ yếu ở nhóm đồng tính nam (MSM).
TP. Huế vẫn là nơi phát hiện và quản lý được người nhiễm HIV cao nhất, tiếp đó là huyện Phú Lộc (14,5%), huyện Phong Điền (7,2%). Độ tuổi của người nhiễm HIV trong tỉnh phát hiện qua các năm có xu hướng trẻ hóa, từ năm 2013 người nhiễm HIV trong tỉnh có tuổi dưới 30 tuổi với 22,0%, nhưng đến năm 2020 đã lên đến 66,2%. 3 năm trở lại đây, các ca bệnh trẻ tăng, tập trung ở độ tuổi 16-25.
Theo BSCKI. Châu Văn Thức, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), nếu tính một năm có khoảng 50 ca bệnh thì tỷ lệ học sinh - sinh viên (HSSV) mắc bệnh chiếm 50-60%. “Một số trường hợp là nam học sinh, nam sinh viên được gia đình đưa đến khoa xét nghiệm khẳng định. Cha mẹ các bạn ấy chết lặng khi được thông báo kết quả dương tính với HIV. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng lây nhiễm trong nhóm MSM. Hầu hết họ rất e ngại trong tiếp xúc và sống khép mình, giấu kín xu hướng tính dục nên khó tiếp cận. Có những em học sinh đến xét nghiệm hoàn toàn không biết gì về đường lây truyền HIV. Cũng có người không giữ được mình trong cuộc vui, chỉ một lần quan hệ với bạn tình đã lây nhiễm bệnh”, BS. Thức nói thêm.
ThS.BS. Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC tỉnh thông tin: “Đơn vị đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế tổ chức truyền thông luân phiên ở các trường học. Có những phần kiến thức các em còn mơ hồ, dẫn tới hiểu sai hoặc kỳ thị với người nhiễm HIV”. Tại buổi giao ban phòng, chống HIV/AIDS mới đây, bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp - công tác chính trị, học sinh Sở Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh các hoạt động của CDC tỉnh. Các hoạt động truyền thông sâu về chuyên môn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho các em về căn bệnh này.
Linh hoạt, đổi mới trong truyền thông
Việc gia tăng ca nhiễm HIV trẻ ngoài ảnh hưởng nòi giống, chất lượng dân số còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh chính trị. Do đó, linh hoạt, đổi mới truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV tại các trường học, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên là vấn đề quan trọng… Tại địa bàn tỉnh, chương trình văn nghệ, hỏi đáp lồng ghép kiến thức, đăng trên kênh fanpage… cung cấp kiến thức về dịch tễ HIV/AIDS. Sự đổi mới trong phương pháp truyền thông này, đã tạo sự hứng thú cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường ý thức được công tác phòng, chống HIV/AIDS, không phân biệt kỳ thị với người nhiễm, cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS.
ThS.BS. Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC tỉnh kỳ vọng: “Mục tiêu của chúng tôi là để các em tự nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi nguy cơ, hướng tới hành vi an toàn để phòng tránh lây nhiễm HIV. Bạn trẻ sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS, tạo môi trường học tập, làm việc thân thiện và thuận tiện cho những người nhiễm căn bệnh này”.
Tại buổi truyền thông về HIV/AIDS cho hơn 1.000 sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế do CDC tỉnh tổ chức mới đây, không khí diễn ra khá sôi nổi, hào hứng. Một nam sinh viên Khoa Tiếng Anh nhận quà từ ban tổ chức chia sẻ: “Em thấy nhiều thông tin rất hữu ích. Bản thân mỗi người có thể tự bổ sung kiến thức về HIV cho mình. Sau chương trình này, nhận thức của em thay đổi hoàn toàn về đường lây truyền và người nhiễm HIV/AIDS. Em nghĩ các bạn cũng sẽ sáng ra nhiều điều về căn bệnh này. Nó không đáng sợ như mọi người nghĩ”.
Nhiều buổi truyền thông tương tự đã được triển khai tại các trường cao đẳng, đại học mang lại hiệu quả đáng kể. Mỗi sinh viên chắt lọc kiến thức cho mình nhằm phòng tránh lây nhiễm. Hồ Công Luận, SV Trường ĐH Du lịch, ĐH Huế cho rằng: “Hoạt động rất hữu ích với bản thân. Em thích nhất là nội dung các đường lây truyền của HIV. Qua đó mới biết việc cắt tóc, cạo râu, chích lể, làm đẹp… liên quan tới kim, dao sắc… đều phải cẩn trọng”. Còn Hồ Đắc Trọng Phú, SV Trường cao đẳng Công nghiệp nhận xét: “Các kiến thức đều mới mẻ, em quan tâm về các nhóm đồng tính MSM có nguy cơ cao. Nếu gặp các trường hợp này em cũng sẽ khuyên họ nên đi xét nghiệm và tham gia điều trị phòng, chống bệnh”. Trần Anh Thục, SV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế tự nhận mình đã hiểu rõ và cẩn trọng hơn trong các hoạt động lấy máu xét nghiệm khi điều trị bệnh nhân. Qua đó không kỳ thị, xa lánh và có sự thấu hiểu, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS”.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thanh, thiếu niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng tránh các bệnh xã hội đang là hướng đi trong năm nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài cần có chiến lược tuyên truyền, định hướng quy mô và chuyên sâu hơn như ngoại khóa, hội thảo, cuộc thi… để tạo sự lan tỏa của hoạt động này trong cộng đồng.